21/07/2025 16:15 GMT+7 | Tin tức 24h
Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo: bão số 3 không chỉ gây mưa lớn khi đổ bộ mà còn thiết lập một dải hội tụ nhiệt đới, khiến mưa lớn kéo dài nhiều ngày sau khi bão suy yếu.
Chia sẻ với Thể thao và Văn hóa, bà Nguyễn Thanh Bình cho biết: Trong đêm 20/7 và sáng sớm 21/7, bão số 3 đã đổ bộ vào khu vực phía nam Trung Quốc, đi qua bán đảo Lôi Châu và sau đó di chuyển xuống Vịnh Bắc Bộ. Ban đầu, tốc độ di chuyển của bão có xu hướng giảm chậm lại. Tuy nhiên, trong vài giờ gần đây, khi đi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đã tăng tốc lên khoảng 15km/giờ theo hướng Tây Tây Bắc.
Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra các cảnh báo về bão số 3
Khi bão di chuyển sát vào ven biển mưa sẽ gia tăng nhanh chóng
Hoàn lưu mây của bão khá rộng, bao phủ toàn bộ khu vực phía đông Bắc Bộ và kéo dài đến phía đông bán đảo Lôi Châu. Tuy nhiên, vùng mây dày và mây đối lưu - yếu tố gây mưa lớn lại tập trung trong phạm vi hẹp. Vì vậy, dù Hà Nội và một số tỉnh đồng bằng Bắc Bộ trời âm u, lượng mưa ban đầu chưa đáng kể. Khi bão di chuyển sát hơn vào ven biển nước ta, tổ chức mây sẽ ổn định trở lại, cường độ có thể tăng lên, khiến vùng mây đối lưu áp sát và mưa sẽ gia tăng nhanh chóng.
Dự báo cho thấy mưa sẽ bắt đầu tăng mạnh từ chiều tối 21/7 và đạt đỉnh trong đêm 21/7 đến sáng 22/7, thời điểm tâm bão tiến gần khu vực ven biển nước ta.
Các khu vực có khả năng xảy ra mưa lớn nhất bao gồm: Vùng núi phía Đông Bắc do tương tác giữa gió đông bắc và địa hình cánh cung, mưa sẽ gia tăng tại khu vực này. Vùng núi Thanh Hóa-Nghệ An bởi đây là vùng trọng điểm mưa lớn, được xác định là “tâm mưa” do đặc điểm địa hình ở phía bắc dãy Trường Sơn. Lượng mưa lớn, kéo dài có thể gây ngập úng tại vùng trũng thấp, đặc biệt là nguy cơ lũ quét và sạt lở đất ở các khu vực đồi núi.
Cảnh báo đặc biệt sau bão
Theo chuyên gia Nguyễn Thanh Bình, một yếu tố đáng lưu ý là sự hình thành của dải hội tụ nhiệt đới do tác động của bão số 3. Dải hội tụ này sẽ vắt ngang qua Bắc Bộ và khu vực Bắc Lào, là nguyên nhân khiến thời tiết xấu tiếp tục kéo dài, ngay cả sau khi tâm bão suy yếu hoặc tan dần. Điều đó có nghĩa là, mưa vẫn sẽ tiếp diễn tại nhiều địa phương ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong một vài ngày tới.
Bà Nguyễn Thanh Bình, dự báo viên chính Phòng Dự báo số trị viễn thám, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia
Chuyên gia khí tượng cũng nhấn mạnh, nguy cơ sạt lở đất không chỉ xuất hiện trong thời điểm mưa lớn nhất mà có thể xảy ra ngay cả sau khi bão đã tan. Mặc dù mưa có thể giảm dần, nhưng do đất đá ngậm nước lâu ngày, hiện tượng sạt lở vẫn có thể tiếp diễn và gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Bình nhấn mạnh: "Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp sạt lở xảy ra khi mưa đã ngớt, vì vậy người dân tại các khu vực có nguy cơ cao cần đặc biệt cảnh giác"
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân theo dõi sát diễn biến thời tiết qua các bản tin chính thống, chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh lũ quét, sạt lở đất và ngập úng, tuân thủ chỉ đạo của chính quyền địa phương nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản.
Xem thêm tin tức TẠI ĐÂY
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất