Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập

05/07/2025 13:31 GMT+7 | Văn hoá

Tối ngày 4/7, tại Giovanni Tea Space, chương trình "Tea Connect" đã diễn ra ấm cúng cùng những tâm hồn tâm huyết với văn hóa Việt Nam, mở ra một không gian đối thoại sâu sắc về "Vẻ đẹp văn hóa gốm Việt".

Trong cuộc trò chuyện giữa Nhà sử học Dương Trung Quốc và Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước đã mở ra một cuộc đối thoại đa chiều về lịch sử, triết lý và khát vọng hội nhập của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ông Nguyễn Trọng Phi, Chủ tịch Giovanni, bày tỏ niềm vui khi được giao lưu và trò chuyện về gốm cũng như văn hóa Việt.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 1.

Chủ tịch Giovanni Nguyễn Trọng Phi bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được giao lưu, trò chuyện về gốm và văn hoá Việt

Hành trình của đất sét và đam mê: Câu chuyện của Nghệ nhân Trần Nam Tước

Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước, sinh ra và lớn lên tại quê lúa Thái Bình (nay thuộc Hưng Yên), đã chia sẻ hành trình đến với gốm của mình đầy duyên nợ. Dù gia đình không có ai theo nghề gốm nhưng anh lại say mê nặn đất sét từ bé thành những con linh thú như "kỳ lân, sư tử". Khác với những đứa trẻ cùng trang lứa thích chơi máy tính, anh lại thích tự tay nặn các hình thù từ đất và mang đi nung nhờ ở các lò gạch thủ công.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 2.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Nam Tước: "Cái gì cần bảo tồn thì phải bảo tồn đến bảo thủ. Còn cái gì nó không phải bảo tồn thì bạn nên cởi mở cho một đời sống mới"

Ở tuổi 17, Trần Nam Tước đã bỏ học nửa chừng lớp 11, "trốn nhà đi lang thang" suốt 4-5 năm để trải nghiệm và học hỏi các làng nghề thủ công trên khắp đất nước. Những chuyến đi này đã giúp anh hình thành thói quen chụp ảnh và ghi chép về các làng nghề truyền thống. Sự gắn bó của anh với nghề gốm được khẳng định khi anh về làm việc cho một doanh nghiệp và sau đó tự thành lập công ty riêng vào năm 1997. Đến năm 2010, Trần Nam Tước chính thức bước vào con đường kinh doanh gốm và đến năm 2020, anh đã "xin khỏi thị trường" để toàn tâm toàn ý với đam mê của mình.


Trong 10 năm kinh doanh, nghệ nhân Trần Nam Tước đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Năm 2023 và 2024, anh đã tổ chức thành công các triển lãm gốm "Linh thú thời nay" và "Nam Tước hồn của đất" với phong cách điêu khắc và câu chuyện độc đáo.

Anh cũng tiết lộ về triển lãm thứ ba sắp tới mang tên "Nam tước những mảnh ghép", dự kiến khai mạc vào ngày 2/8.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 4.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Đã đến lúc" Việt Nam cần chuyển mình từ việc chỉ ưu tiên hàng Việt Nam sang việc "chinh phục" người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới

Anh chia sẻ rằng, trong kiến trúc gốm, có tới "trên 20 cái nghề" mà anh đã thành thạo và ghi chép lại. Nghệ nhân bày tỏ mong muốn xây dựng một lò nung tại quê nhà để "dạy lại cho các em hoàn toàn miễn phí".

Các tác phẩm gốm của Trần Nam Tước được đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và khả năng ứng dụng rộng rãi. Anh cũng nhấn mạnh quan điểm: "Cái gì cần bảo tồn thì phải bảo tồn đến bảo thủ. Còn cái gì nó không phải bảo tồn thì bạn nên cởi mở cho một đời sống mới".


Linh vật Việt – Biểu tượng của Bản sắc

Chủ đề linh vật đã được làm rõ qua phần chia sẻ của Nhà sử học Dương Trung Quốc và nghệ nhân Trần Nam Tước. Từ thời Lý, khi Phật giáo thịnh vượng, sư tử là linh vật được tôn thờ và xuất hiện trong kiến trúc chùa chiền như chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và Đền Đô (Hà Nội).

Tuy nhiên, theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, linh vật sư tử ở Việt Nam có nét riêng, khác biệt so với sư tử của Trung Hoa hay Ai Cập.

Sang thời Trần, với triều đại "võ công oanh liệt", linh vật "con sấu" hay "con sóc" xuất hiện, mang hình dáng sư tử thời Lý nhưng có thêm đuôi dài như đuôi sóc để thể hiện sự nhanh nhẹn, linh hoạt.

Điều này phù hợp với chiến thuật "tam tài" – sự kết hợp hài hòa các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của quân đội nhà Trần.

Đến thời Lê, linh vật "con nghê" trở nên phổ biến, đặc biệt ở vùng Kinh Bắc. Nghệ nhân Trần Nam Tước lý giải: "Con nghê chính là con ngao", gốc của "linh khuyển" – một loài vật gần gũi và thiêng liêng trong quan niệm dân gian Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc và nghệ nhân Trần Nam Tước nhấn mạnh sự độc đáo của con nghê trong văn hóa Việt Nam, khác biệt hoàn toàn với sư tử của các quốc gia khác. Con nghê là biểu tượng của sự bảo vệ, uy lực và gần gũi với đời sống người Việt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đã kể câu chuyện về việc loại bỏ sư tử đá "tàu" tại các di tích, công sở và khuyến khích sử dụng các linh vật thuần Việt như con nghê để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong các không gian công cộng. Ông bày tỏ mong muốn bảo tồn di sản văn hóa, bởi hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ "mất mát di sản rất nhiều" do thiếu cơ chế bảo vệ.

Từ "Ưu tiên" đến "Chinh phục" và Gìn giữ Bản sắc

Cuộc thảo luận sôi nổi khi nhắc đến câu chuyện "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng "đã đến lúc" Việt Nam cần chuyển mình từ việc chỉ ưu tiên hàng Việt Nam sang việc "hàng Việt Nam chinh phục" người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới.

Ông tin rằng với 100 triệu khách hàng trong nước, nếu hàng Việt Nam đủ sức mạnh để chinh phục họ, thì nó sẽ có đủ sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 7.

Nghệ nhân ưu tú Trần Nam Tước được đề nghị hát ngay tại chương trình

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đi sâu vào phân tích khát vọng hội nhập của dân tộc Việt Nam, khẳng định: "Hội nhập là con đường sống" của Việt Nam. Ông dẫn chứng từ lịch sử, cha ông ta đã khôn ngoan học hỏi từ các nền văn minh lớn như Trung Hoa, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng.

Đơn cử, trong khi chấp nhận dùng chữ Hán để đào tạo nhân tài, người Việt vẫn giữ tiếng nói của mình. Từ xa xưa, ông cha ta đã biết "tiếp thu và tiếp biến" văn hóa một cách chọn lọc, biến cái chung thành cái riêng độc đáo.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 8.

Ông Quốc cũng chia sẻ về những quan niệm sâu sắc của cha ông về địa lý và văn hóa, thể hiện qua việc chọn kinh đô Thăng Long hay những câu đối ở các di tích lịch sử. Những câu nói như "Bắc môn tỏa thược" hay "Cù Việt" không chỉ là sự mô tả địa lý mà còn chứa đựng những triết lý sâu xa về sự tự chủ, bảo vệ và vươn ra biển lớn của dân tộc Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Phi, người tổ chức và kết nối các nhân vật, bày tỏ sự hoan hỉ khi không gian của mình được dùng để chia sẻ về gốm và linh vật. Ông cho rằng nghệ nhân Trần Nam Tước có lẽ mang một "sứ mệnh" đến thế giới này để khôi phục những hoa văn, họa tiết, những văn hóa cổ của người Việt, đặc biệt trong bối cảnh nhiều linh thú bị lai tạo. Theo ông Phi, mọi sự sáng tạo đều không phải là điều cao siêu, không có ai là thấp kém, chỉ cần có đủ khát vọng và đam mê để tạo ra giá trị cho đời và cho bản thân. Ông mong muốn những giá trị văn hóa Việt Nam được vươn ra thế giới, với niềm tin Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc chinh phục thị trường toàn cầu thông qua chất lượng và bản sắc riêng.

Vẻ Đẹp Gốm Việt: Gìn giữ di sản trong dòng chảy văn hoá hội nhập - Ảnh 10.

Nguyên Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm