U23 Đông Nam Á: Thành bại vì cầu thủ nhập tịch?

18/07/2025 07:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

Jens Raven ghi tới 6 bàn vào lưới U23 Brunei, Otu Banatao lập cú đúp giúp U23 Philippines thắng sốc U23 Malaysia. Trong khi đó, Viktor Lê được kỳ vọng là nhân tố đột biến của U23 Việt Nam...

1. U23 Brunei, đội bóng bị đánh giá yếu nhất giải, dĩ nhiên không phải thước đo sức mạnh của U23 Indonesia. Song màn thể hiện "out trình" của chân sút gốc Hà Lan Jens Raven đủ để khiến các đối thủ cạnh tranh với đội bóng xứ vạn đảo cảm thấy e ngại. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu, có một cầu thủ ghi đến 6 bàn/trận.

Đó mới là trận ra mắt của Jens Raven ở cấp độ U23, nhưng trước đó, anh đã là một ngôi sao sáng ở lứa U19. Hè năm ngoái, chân sút sinh năm 2005 này đã ghi 4 bàn ở giải U19 Đông Nam Á, trong đó có pha ghi bàn duy nhất ở trận chung kết gặp U19 Thái Lan. Với thể hình vượt trội (1m89), khả năng dứt điểm đa dạng và tư duy chơi bóng được rèn giũa tại lò đào tạo Hà Lan, Raven trở thành mũi nhọn không thể cản phá, đưa Indonesia trở thành ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Tất nhiên, anh cần duy trì phong độ trước các đối thủ mạnh hơn như U23 Việt Nam, U23 Thái Lan hay gần nhất là U23 Philippines tối nay.

Cũng ở bảng A, cầu thủ gốc Mỹ Otu Bisong Banatao của U23 Philippines, đã ghi cú đúp trong chiến thắng 2-0 trước U23 Malaysia. Ở tuổi 19, với tốc độ, kỹ thuật cá nhân điêu luyện và nền tảng đào tạo từ Đại học Old Dominion (Mỹ), Banatao trở thành "ngựa ô" tiềm năng của giải đấu. Chiến thắng trước Malaysia giúp Philippines rộng cửa đi tiếp cũng như khẳng định vai trò của cầu thủ nhập tịch trong việc thay đổi cục diện trận đấu. Dù vậy, đội bóng của Banatao vẫn cần chứng minh sự ổn định khi đối đầu với các đội mạnh hơn ở vòng knock-out.

U23 Đông Nam Á: Thành bại tại nhập tịch? - Ảnh 1.

Jens Raven đã ghi tới 6 bàn thắng vào lưới U23 Brunei

Về phía U23 Việt Nam, Viktor Lê đã thể hiện khả năng phối hợp tốt, hòa nhập nhanh chóng với lối chơi kiểm soát bóng của đội bóng áo đỏ. Tiền vệ gốc Nga được HLV Kim Sang Sik đánh giá cao và kỳ vọng sẽ tạo đột phá ở các trận quan trọng. Nhưng Việt Nam dường như không đặt toàn bộ hy vọng vào Le mà xem anh như một mảnh ghép bổ sung cho hệ thống.

2. Dù các sao nhập tịch như Raven hay Banatao mang lại sức mạnh tức thời, thành bại của các đội bóng U23 Đông Nam Á không chỉ phụ thuộc vào họ. Một đội bóng muốn đi xa cần sự kết hợp giữa cá nhân xuất sắc và lối chơi tập thể, cùng với chiến thuật hợp lý từ ban huấn luyện.

Indonesia, với lợi thế sân nhà và sự dẫn dắt của HLV Gerald Vanenburg, đang cho thấy tham vọng lớn. Raven là mũi nhọn, nhưng sự thành công của họ còn phụ thuộc vào khả năng tổ chức hàng tiền vệ và phòng ngự trước các đối thủ mạnh. Trong khi đó, Philippines vẫn bị đánh giá thấp hơn về kinh nghiệm thi đấu ở các vòng knock-out. Thành công bất ngờ trước Malaysia là tín hiệu tích cực, nhưng đội bóng này cần một hệ thống chiến thuật chặt chẽ hơn để tận dụng tối đa tài năng của Banatao.

Ngược lại, U23 Việt Nam, với hai lần vô địch liên tiếp (2022, 2023), vẫn là ứng viên hàng đầu nhờ lối chơi đồng đội gắn kết và bản lĩnh ở những trận đấu lớn. Viktor Lê có thể sẽ là điểm nhấn, nhưng sức mạnh của Việt Nam nằm ở sự ổn định và kinh nghiệm của HLV Kim Sang Sik, người đang cố gắng xây dựng một đội hình cân bằng giữa công và thủ.

Tất nhiên, thành bại hay không thì chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nếu các đội như U23 Indonesia hay U23 Philippines gặt hái thành công nhờ cầu thủ nhập tịch, xu hướng này có thể lan rộng, buộc các đội bóng khác phải cân nhắc chiến lược tương tự.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm