Trung Quốc: "Lưu trú mùa Hè mát mẻ" thúc đẩy du lịch cộng đồng
Khi cái nóng thiêu đốt bao trùm phần lớn Trung Quốc, các tỉnh vùng cao nguyên như Vân Nam và Quý Châu, nơi có nhiệt độ mùa Hè trung bình chỉ từ 15- 21 độ C, đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ của "những nơi lưu trú mùa Hè mát mẻ".
Trong nửa đầu năm 2025, riêng tỉnh Vân Nam đã đón 2,8 triệu du khách lưu trú dài hạn tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước. Những du khách này lưu trú trung bình 91 ngày, dài hơn 11 ngày so với năm trước.

Được biết đến với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt đẹp, tỉnh Vân Nam đã phát triển ngành du lịch mùa hè, mang đến cho du khách những trải nghiệm đa dạng giữa rừng cây, núi tuyết, đất ngập nước và cánh đồng hoa. Ảnh: Zhao Qingzu/Tân Hoa Xã
Tại thành phố Khúc Tĩnh, nơi nổi tiếng với mùa Hè mát mẻ, các công ty cho thuê nơi lưu trú như Licheng đang chuyển đổi những ngôi nhà bỏ hoang thành các cơ sở lưu trú. Mùa Hè này, công ty Licheng đã cung cấp hơn 100 giường và 3 bữa ăn/ngày thông qua các nhà nghỉ cùng dân bản địa (homestay) tại cộng đồng Niujie của thành phố, đến nay đã tiếp đón hơn 200 khách.
Các chuyên gia trong ngành tin rằng du lịch truyền thống thường chuyển hướng chi tiêu vào giao thông và vé, hạn chế lợi ích kinh tế địa phương, trong khi du lịch thu hút cư dân địa phương giữ lại nhiều chi tiêu hơn trong cộng đồng.
Tại Khúc Tĩnh, ăn uống chiếm 40% chi tiêu của du khách lưu trú dài hạn, vượt xa mức 10% thông thường của khách du lịch lưu trú ngắn hạn. Thành phố đã chào đón 2 triệu du khách lưu trú dài hạn vào mùa Hè năm 2024, đạt đỉnh điểm là 270.000 người/ngày, tạo ra doanh thu 23,6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3,3 tỷ USD).
Trong khi đó, chính quyền huyện Hy Thủy ở Quý Châu đã tận dụng công viên rừng quốc gia của địa phương để phát triển 28 dự án nhà ở mùa Hè trên 6 thị trấn, hiện là nơi ở của 36.000 hộ gia đình, chủ yếu đến từ các tỉnh khác. Kể từ tháng 6, các khách sạn và nhà nghỉ homestay đã ghi nhận mùa cao điểm.

Khách du lịch tạo dáng chụp ảnh tại một công viên ven hồ ở Châu tự trị Đại Lý Bạch, tỉnh Vân Nam, tây nam Trung Quốc, ngày 15/7/2025. Ảnh: Tân Hoa Xã
Viện trưởng Học viện Du lịch Trung Quốc, ông Đới Bân nhấn mạnh sự chuyển dịch của mô hình du lịch "từ việc chỉ đơn thuần tận dụng khí hậu mát mẻ sang kết hợp văn hóa, sức khỏe và học tập". Ông dẫn chứng ví dụ về việc trẻ em tham gia cùng kiểm lâm để nhận dạng thực vật trong một trại khoa học tự nhiên trong khi cha mẹ học nghề thủ công địa phương, cũng như một trại ở Đại Lý, Vân Nam, kết hợp không khí mát mẻ với phương pháp chữa bệnh toàn diện thông qua yoga trong rừng.
Nhận thấy tiềm năng này, Ủy ban Phát triển và cải cách quốc gia Trung Quốc đã ban hành hướng dẫn vào năm 2023 để thúc đẩy du lịch mùa Hè, kêu gọi cải thiện sản phẩm và cơ sở hạ tầng.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và du lịch Vân Nam, du khách lưu trú dài ngày hiện không chỉ đổ về từ Tứ Xuyên và Trùng Khánh gần đó, mà còn ngày càng tăng từ Quảng Đông, Chiết Giang và thậm chí cả tỉnh Hắc Long Giang ở cực Bắc, với hơn 80% là người trẻ và trung niên.
Các chuyên gia từ Tổ chức Du lịch thế giới của Liên hợp quốc nhận định du lịch thích ứng với khí hậu đang là một nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu và được dự đoán sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.