Thông điệp của chiến thắng

30/04/2025 06:42 GMT+7 | Tin tức 24h

“Ngôi sao tăng trưởng của khu vực”, “Con rồng châu Á”, hay “cường quốc sản xuất Đông Nam Á”… - cách đây 50 năm không ai có thể nghĩ đây là những gì thế giới sẽ nói về Việt Nam, đất nước thời điểm đó vừa bước qua hàng thập niên chiến tranh, phải phục hồi từ những mất mát, đổ nát trong điều kiện bị bao vây cấm vận. Thế nên, chứng kiến những bước phát triển vượt bậc ngày nay của Việt Nam, bạn bè quốc tế đều bày tỏ khâm phục.

Nhà Việt Nam học người Italy, bà Sandra Scagliotti, mô tả Việt Nam trong 50 năm qua đã có "cuộc chuyển mình đáng kinh ngạc” để thoát khỏi tình trạng bị cô lập hoàn toàn và bị chèn ép bởi lệnh cấm vận của Mỹ. Tiến sĩ Alisher Mukhamedov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Uzbekistan-Việt Nam thì khẳng định Việt Nam đã có sự “đổi thay ngoạn mục” sau 50 năm thống nhất. Còn học giả Argentina, Giáo sư Ezequiel Ramoneda, nêu bật những thành tựu chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam là “điều phi thường, thực sự đáng khâm phục”. Chia sẻ quan điểm trên, ông Segovia, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách công (Academia de Políticas Públicas) tại thủ đô Lima (Peru), nhấn mạnh trong bối cảnh đất nước bước ra từ một cuộc chiến tàn khốc, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ, việc Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia có vị thế trên trường quốc tế, là một kỳ tích.

Thông điệp của chiến thắng - Ảnh 1.

Một gia đình Hà Nội hạnh phúc khi được di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh bằng "Đoàn tàu Thống Nhất". Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Công nghiệp Chiết Giang (Trung Quốc), vị thế và ảnh hưởng rất nổi bật trên trường quốc tế của Việt Nam cho thấy sự chuyển mình về chính trị và kinh tế trong suốt 50 năm qua là rất thành công, phản ánh sức sống lâu dài của chính sách Đổi mới, Việt Nam từ một trong những quốc gia kém phát triển đã vươn lên thành một quốc gia mới nổi với nền kinh tế mạnh và đời sống nhân dân được cải thiện. Anh hùng Cộng hòa Cuba Fernando González Llort, Chủ tịch Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) thì bày tỏ ngưỡng mộ kỳ tích Việt Nam, nói rằng "các bạn đã làm nên điều thần kỳ" khi biến vùng đất chịu nhiều bom đạn nhất hành tinh thành điểm sáng kinh tế với tốc độ tăng trưởng thuộc top đầu châu Á”.

Với tình cảm mộc mạc của người có duyên nợ với Việt Nam thời chiến tranh, nhân sĩ hữu nghị Trung- Việt Vu Thục Huệ cảm nhận rõ nét rằng “nhân dân Việt Nam đã trở nên giàu có hơn, điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần không ngừng được nâng cao và cuộc sống hạnh phúc hơn”. Nhà báo Gabriel Mazzarovich, Trưởng ban Tư tưởng Trung ương Đảng Cộng sản Uruguay, nêu rõ những gì dân tộc Việt Nam đã đạt được vô cùng ấn tượng, tái thiết đất nước từ đống đổ nát, nỗ lực xây dựng một xã hội mới, theo đuổi chủ nghĩa xã hội và hiện là một trong 20 nền kinh tế năng động nhất thế giới. Giáo sư Vũ Minh Khương thuộc trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore khẳng định: “50 năm qua, Việt Nam đã lớn mạnh đến mức nhiều thế hệ trước đây không thể hình dung nổi”.

Có thể thấy những ý kiến đề cao bước phát triển của Việt Nam 50 năm qua là hoàn toàn xác đáng. Từ những chiến trường ngổn ngang, những làng mạc điêu tàn vì khói đạn chiến tranh, Việt Nam đã từng bước phục hồi và đạt được những thành tựu ấn tượng. Với bước ngoặt là chính sách Đổi mới được thực hiện từ năm 1986, sau gần 4 thập niên, Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khoảng cách thu nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ với quy mô lọt tốp 40 thế giới, tốp 5 trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng gần 60 lần sau 3 thập niên và hiện thuộc nhóm 15 nền kinh tế phát triển thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất thế giới.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định Việt Nam xếp thứ 19 trong tốp 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình từ 6-7%/năm. Việt Nam còn được dự báo sẽ vượt qua các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia hay Malaysia về mức độ tăng trưởng. Seasia Stats ước tính quy mô kinh tế Việt Nam đứng thứ 12 khu vực châu Á trong năm 2025. Từ đất nước sống trong bao vây, cấm vận, cần đến viện trợ, tới nay, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 54/166. Với quyết tâm chính trị, cam kết xã hội và tầm nhìn chuyển đổi, Việt Nam đang trên đường trở thành cường quốc khu vực và toàn cầu, định hình lại vai trò của các quốc gia mới nổi trong thế kỷ XXI. Theo đánh giá của trang ABC Mundial, nếu tiếp tục theo con đường hiện tại, Việt Nam không chỉ đạt được vị thế nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đề ra mà còn truyền cảm hứng cho các quốc gia đang phát triển khác noi theo

Giáo sư Chu Hoàng Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Việt Nam tại Đại học Quốc gia Australia, nhấn mạnh Việt Nam đã vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là một quốc gia năng động, có tiếng nói và có trách nhiệm trên trường quốc tế, với những bước tiến vượt bậc trên cả bình diện vị thế quốc gia – từ kinh tế, xã hội, văn hóa, quan hệ đối ngoại – lẫn trên bình diện phát triển cá nhân. Từng là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới sau nhiều thập niên chiến tranh, ngày nay Việt Nam là một trong những ví dụ đáng chú ý nhất về chuyển đổi kinh tế trong thế kỷ XXI.

Nhà báo Argentina Gaston Fiorda nhận định sau 50 năm, thông điệp của Chiến thắng 30/4 giờ đây mang một ý nghĩa mới bởi từ những đau thương, mất mát và đổ nát của chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, với những thành tựu kinh tế - xã hội đáng khâm phục, trở thành biểu tượng của hòa bình và phát triển. Như lời tâm sự đầy ngưỡng mộ của Anh hùng Cộng hòa Cuba Fernando González Llort, Chủ tịch Viện Cuba Hữu nghị với các dân tộc (ICAP) khi nói về Việt Nam sau 50 năm Chiến thắng 30/4/1975: “Điều kỳ diệu nhất chính là Việt Nam hôm nay - một quốc gia vượt xa cả giấc mơ '10 lần đẹp hơn' mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong và gửi gắm trong di chúc”.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm