29/04/2025 06:24 GMT+7 | Văn hoá
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi "Đồng bào và chiến sĩ miền Bắc dũng cảm tiến lên, hăng hái thi đua sản xuất và chiến đấu", "Một người làm việc bằng hai". "Các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt "Ba sẵn sàng"… "Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt "Ba đảm đang" góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, NXB CTQG-ST, H. 2011, tr. 578).
Thực hiện chủ trương của Đảng và hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cả 2 miền Nam - Bắc đã hình thành "cao trào chống Mỹ, cứu nước", cuộc kháng chiến đã trở thành "ngày hội của quần chúng nhân dân".
Ở miền Bắc, nhân dân đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất và chiến đấu, đó là các phong trào: "Sóng Duyên Hải", "Gió Đại Phong", "Trống Bắc Lý", "Tay cày, tay súng", "Tay búa tay súng", phong trào "Ba đảm đang", "Ba sẵn sàng", "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược"... Hàng vạn thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia lực lượng vũ trang, lực lượng thanh niên xung phong, có mặt trên mọi nẻo đường của Tổ quốc, trên mọi chiến trường trực tiếp đánh Mỹ.
Tại miền Nam, từ sau phong trào "Đồng khởi", nhân dân đứng lên chống càn, xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang, xây dựng căn cứ cách mạng. Các phong trào "Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công", "Tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt", "Bám thắt lưng địch mà đánh", "Dũng sĩ diệt Mỹ",… sôi nổi khắp miền Nam, lần lượt đánh bại các chiến lược "chiến tranh đặc biệt", "chiến tranh cục bộ" và chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ.
Học viên trường "Ba đảm đang" (xã Đông Quang, huyện Đông Sơn,Thanh Hóa) sửa chữa lại hầm hào, trồng cây xung quanh trường (1968). Ảnh: TTXVN
Đan Phượng - nơi khởi đầu phong trào "Ba đảm đang"
Với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", ngay từ đầu năm 1965, khi đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đã đề xuất phong trào "Ba nhiệm vụ". Ngày 18/2/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện họp hội nghị mở rộng với 130 đảng viên nữ để phổ biến tình hình và xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương. Hội nghị đã bàn bạc và đi đến quyết nghị phụ nữ phải làm "Ba nhiệm vụ" để sẵn sàng thay thế nam giới đi chiến đấu.
Sáng 8/3/1965, đông đảo phụ nữ trong huyện tập trung tại Trường Phổ thông cấp II xã Đan Phượng nghe phát động phong trào. Hội Phụ nữ Đan Phượng gửi quyết tâm thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Đông, hứa thực hiện "Ba nhiệm vụ" trước mắt. Đó là:
Trong phong trào "Ba đảm nhiệm", chị em phụ nữ HTX Hòa Bình (Đại Từ, Bắc Thái) không chỉ đảm nhiệm phần việc cày bừa của nam giới mà còn luyện tập quân sự để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sản xuất (1965). Ảnh: Văn Bảng - TTXVN
- Gánh vác thêm phần việc lao động của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng, con, anh em yên tâm sẵn sàng chiến đấu.
- Khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên Mỹ trên đất nước ta.
- Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu khi Tổ quốc cần. (Dẫn theo Đặng Văn Tu - Nguyễn Tá Nhí, Địa chí Hà Tây, NXB. Hà Nội, 2011, tr 314).
Ngày 18/3/1965, trên trang nhất báo Nhân dân đã đưa tin cổ vũ về "Ba nhiệm vụ" của Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng. Lời hứa thực hiện "Ba nhiệm vụ" của phụ nữ Đan Phượng trở thành một nhân tố mới trong phong trào phụ nữ miền Bắc lúc đó.
Trên cơ sở phong trào "Ba nhiệm vụ" của phụ nữ Đan Phượng, Ban Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với Trung ương Đảng việc phát động phong trào "Ba đảm nhiệm" và sau đó Trung ương Hội "kêu gọi chị em hãy nhiệt liệt hưởng ứng chủ trương của Trung ương Hội phát động phong trào "Ba đảm nhiệm"...
Như vậy, ngay từ ngày 18/2/1965, Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đã họp hội nghị quyết định phụ nữ phải làm "Ba nhiệm vụ" để sẵn sàng thay thế nam giới đi chiến đấu và ngày 8/3/1965, phong trào "Ba đảm nhiệm" đã được phát động.
Từ thực tế đó, chúng ta có thể khẳng định, phong trào "Ba đảm nhiệm" (sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh gợi ý đổi thành phong trào "Ba đảm đang") mà phụ nữ Đan Phượng khởi xướng đã ra đời trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi ngày 20/7/1965. Điều đó nói lên tính chủ động, sáng tạo, tiên phong của phụ nữ Đan Phượng. Vì vậy, huyện Đan Phượng rất xứng đáng với tên gọi hoặc danh hiệu là "Quê hương người gái đảm".
Học sinh trường cấp III Yên Hòa (Hà Nội) đăng ký phong trào “Ba đảm nhiệm”. Ảnh: Thanh Tụng - TTXVN
Phong trào "Ba đảm đang" - nguồn sức mạnh to lớn
Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" thực sự trở thành cao trào với sự tham gia một cách tự giác và có tổ chức của đông đảo phụ nữ miền Bắc. Chỉ trong hơn 1 tháng kể từ khi phát động, đã có hơn 1,7 triệu phụ nữ miền Bắc ghi tên phấn đấu "Ba đảm đang".
Trong Lời kêu gọi ngày 20/7/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt "Ba đảm đang" góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Với trung tâm là phong trào "Ba đảm đang", các tầng lớp phụ nữ miền Bắc tỏa ra trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu.
Phụ nữ nông dân "Tay cày, tay súng", coi "ruộng rẫy là chiến trường", vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu, phấn đấu thực hiện "Cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ". Phụ nữ công nhân "Tay búa, tay súng", ra sức thi đua "năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều", "luyện tay nghề thi thợ giỏi".
Trên lĩnh vực văn hóa - giáo dục, từ những cô giáo mầm non đến những giảng viên trên giảng đường đại học thi đua "Dạy tốt, học tốt". Với phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", các nữ văn nghệ sĩ không quản ngại khó khăn, gian khổ và hy sinh đưa tiếng hát đến tận nhà máy, ruộng đồng, trận địa; các nữ y, bác sĩ bám trận địa, kịp thời cứu thương cho bộ đội.
Trên mặt trận giao thông vận tải, những đơn vị nữ thanh niên xung phong ngày đêm đi mở đường, "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm", giữ vững lời thề "Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông không bao giờ tắc" v.v…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, phong trào thi đua của toàn dân trong đó có phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ đã góp phần làm cho miền Bắc vững mạnh, vừa đánh bại 2 cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa hoàn thành nghĩa vụ là hậu phương lớn của chiến trường miền Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các nữ dân quân miền Bắc vừa hăng say lao động sản xuất, vừa ra sức luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Phong trào Phụ nữ "Ba đảm đang" trước hết góp phần xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đông đảo nữ thanh niên vào dân quân tự vệ, làm hầm hào phòng tránh máy bay, làm nhiệm vụ cứu thương, cứu sập hầm, tuần tra canh gác, bảo vệ trật tự trị an, tiếp lương tải đạn ra trận địa pháo cho bộ đội; đặc biệt là trực tiếp chiến đấu bắn máy bay Mỹ, góp phần hình thành thế trận của chiến tranh nhân dân với một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều hướng, đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Không chỉ góp phần to lớn bảo đảm nguồn sức mạnh vật chất để cung cấp cho chiến trường, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" còn tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn. Phụ nữ chăm lo việc gia đình và xã hội, trở thành nguồn động viên lớn lao, làm cho người lên đường nhập ngũ "yên tâm vững bước", người trên đường hành quân "chân cứng đá mềm", người chiến đấu ngoài mặt trận giữ vững lời thề "Đánh thắng giặc Mỹ mới về quê hương".
Với gần 4 triệu người đạt danh hiệu "Ba đảm đang", phong trào này là một điển hình thành công về phát huy vai trò phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.
"Ba đảm đang" không chỉ là cơ hội để phụ nữ Việt Nam cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, mà còn là điều kiện để họ vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng thật sự. Vì vậy, phong trào "Ba đảm đang" không chỉ là một cuộc vận động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn có ý nghĩa như là sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Phong trào "Ba đảm đang" chống Mỹ, cứu nước của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam, một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong giai đoạn lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Tinh thần "Ba đảm đang" trong giai đoạn hiện nay
Phát huy truyền thống từ phong trào "Ba đảm đang", Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vận động các hội viên tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua của Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc và của Hội nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi trong các lực lượng phụ nữ như các phong trào "Xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh", "Phong trào vì người nghèo"; phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc", phong trào "Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo, phát triển kinh tế", "Tiết kiệm theo gương Bác", "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", "Rèn luyện phẩm chất đạo đức tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang", cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" v.v...
Tinh thần của phong trào "Ba đảm đang" vẫn luôn là mạch ngầm tuôn chảy, là tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng, tiếp lửa cho các thế hệ phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau. Trong ảnh: Đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam lên máy bay tiễn các nữ sĩ quan lên đường làm nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan và khu vực Abyei (24/9/2024). Ảnh: Trọng Đức - TTXVN
Có mặt trong mọi giai tầng xã hội và trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, do vậy, cùng với việc tham gia các phong trào do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ phát động, phụ nữ còn tham gia trong các phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", "Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới" của Hội Nông dân; phong trào thi đua "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phong trào "Học tập sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", "Sáng tạo trẻ", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; phong trào "Cựu chiến binh gương mẫu", "Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế" của Hội Cựu chiến binh...
Qua thực tế phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm sau: Nắm vững và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; lấy mục tiêu chung của đất nước làm động lực, tăng cường đồng thuận xã hội để khơi dậy và phát động phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân; quán triệt tư tưởng "dân là gốc", khơi dậy và phát huy sức mạnh, quyền làm chủ của nhân dân; phong trào thi đua yêu nước cần thiết được tập hợp trong tổ chức cách mạng của toàn dân và của từng ngành, từng giới.
60 năm đã trôi qua, nhưng phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" mãi mãi đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, góp phần tô thắm trang lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Bài học từ phong trào phụ nữ "Ba đảm đang", về xây dựng và triển khai các phong trào thi đua cách mạng, về đường lối phát huy sức mạnh toàn dân tộc, của ý chí và khát vọng độc lập, thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam sẽ luôn là động lực để Đảng và nhân dân ta tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, nêu cao ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
"Phong trào "Ba đảm đang" không chỉ là một cuộc vận động vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn có ý nghĩa như là sự nghiệp giải phóng phụ nữ" - NHẬN ĐỊNH CỦA PGS-TS NGUYỄN VĂN NHẬT.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất