14/05/2025 12:59 GMT+7 | V-League
Công ty VPF vừa công bố kế hoạch thi đấu mùa giải 2025/2026, theo đó V-League sẽ bắt đầu từ ngày 15/8/2025 và kết thúc vào ngày 18/6/2026. Như vậy, khi mùa giải hiện tại kết thúc vào cuối tháng 6 thì các đội bóng có chưa đầy 2 tháng để bắt đầu mùa mới.
Nếu xét riêng về lịch thi đấu, bóng đá Việt Nam đang… rất hiện đại. Mùa giải theo lịch chuẩn của châu Âu, vắt sang 2 năm và dù chỉ có 14 CLB với tổng cộng 26 vòng đấu nhưng thời gian thi đấu của V-League kéo dàt hơn 10 tháng, thậm chí còn nhiều hơn cả các giải vô địch hàng đầu châu Âu vốn có đến gần 40 vòng đấu.
Vấn đề nằm ở chỗ đó. Lịch trình thì đúng tiêu chuẩn nhưng những thứ liên quan thì lại không. Các sự kiện ASEAN Cup hay SEA Games, hoặc thậm chí là các giải Asian Cup, đều không diễn ra ở các tháng mùa Hè như thông lệ của các giải bóng đá lớn.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam lại có một "đặc thù" là xem trọng các giải đấu dành cho U23. Thế là nếu năm nào có cùng lúc các sự kiện này diễn ra thì V-League lại tiếp diễn bài ca "tạm dừng".
Hiện đang có 2 phương án tạm dừng mùa mới: Nếu chỉ dừng để cho đội U22 tập trung đá SEA Games thì sẽ dừng hết 58 ngày, còn nếu dừng thêm cho đội U23 dự Asian Cup thì tổng thời gian sẽ là 84 ngày.
Ngoài những lần dừng này, sẽ còn các đợt liên quan đến FIFA Days và Tết nguyên đán. V-League rơi vào trạng thái "nấc cục" và dù mùa giải kéo dài đến 44 tuần lễ nhưng thực tế 26 vòng đấu của V-League chỉ thi đấu gói gọn trong khoảng 23 tuần. Nghĩa là 20 tuần còn lại, các CLB cứ… tự bơi.
Việc V-League phải tạm dừng trong thời gian quá dài sẽ làm ảnh hưởng tới các CLB. Ảnh: Hoàng Linh
Cứ cho là bóng đá Việt Nam có đặc thù riêng, trong bối cảnh mà bóng đá trẻ của chúng ta vẫn chưa có cải tổ lớn nào về hệ thống thi đấu, thì V-League phải "hy sinh" cho một số giải đấu U23 hoặc SEA Games cũng được cho là một lý do chính đáng. Nhưng đành rằng SEA Games hay U23 châu Á đều là các sân chơi quan trọng, nhưng sự phát triển của V-League có lẽ cũng quan trọng không kém.
Nói cách khác, nếu phải bắt buộc tạm dừng, thì cần phải sự linh hoạt về thời gian, rút ngắn nhất có thể để tránh trường hợp nghỉ quá dài ngày nhằm bảo đảm ý nghĩa, vai trò của V-League, đồng thời cũng không "lệch pha" quá nhiều so với bóng đá thế giới vốn đề cao quyền lợi CLB. Việc kéo dài mùa giải mà lại không phải do nhu cầu thi đấu chắc chắn có tác động đáng kể đến các hợp đồng cầu thủ nước ngoài, quỹ lương của các CLB, phong độ của cầu thủ.
Một điều lo ngại hơn, đó là tình trạng sụt giảm khán giả tại V-League. Mùa giải 2024/2025 có lượng khán giả trung bình đáng báo động. Tính đến sau vòng 22, cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng đều còn khá gay cấn nhưng con số trung bình chỉ là 4.900 người/trận.
Đáng lo hơn là số trận đấu đón dưới 2.000 người đến xem đang tăng lên khi có gần 10 trận diễn ra với lượng khán giả chỉ hơn 1.500 người. 154 trận đã qua, duy nhất 1 trận trên 10.000 người, đó là trận CAHN-Nam Định ở vòng 16 (13.500).
V-League đang mất sức hút và dù là nguyên nhân nào đi nữa, thì việc quan trọng là đừng để giải đấu này phải "hy sinh" quá nhiều cho các nhiệm vụ khác trong khi bản thân nó đang cần được "giải cứu".
Một giải đấu như V-League rất cần một sự ổn định về lịch thi đấu, ưu tiên khung giờ đẹp ở những ngày cuối tuần và đừng để bị ngắt quãng quá nhiều. Đó là điều tối thiểu phải làm trước khi nghĩ đến chuyện nâng chất lượng thi đấu hay trải nghiệm xem bóng đá của người hâm mộ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất