Thanh Hóa siết chặt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản

04/07/2025 11:11 GMT+7 | Văn hoá

Thanh Hóa là vùng đất có truyền thống lịch sử lâu đời với một kho tàng các di sản văn hóa, các hiện vật, tư liệu lịch sử đồ sộ, có giá trị cao. Trước thực trạng nhiều di tích và hiện vật, di vật, cổ vật có giá trị đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại, xuống cấp, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương siết chặt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản trên toàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thất lạc, mất mát hay phá hoại di sản dưới bất kỳ hình thức nào.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ (xã Tây Đô, tỉnh Thanh Hóa) hiện đang lưu giữ, bảo quản khoảng 80.000 đơn vị hiện vật được khai quật tại khu vực Thành Nhà Hồ và Đàn tế Nam Giao Tây Đô hoặc sưu tầm trong nhân dân. Trong đó nổi bật là các hiện vật với các chất liệu đất nung, đá, đồng, đầu chim phượng, gạch bìa có in chữ, khắc chữ Hán - Nôm ghi tên các địa phương sản xuất gạch, bi đá vận chuyển xây thành... Các hiện vật, di vật được lưu giữ tại đây có giá trị to lớn, không chỉ cung cấp tư liệu quan trọng cho công tác nghiên cứu về Thành Nhà Hồ, mà còn giúp khách tham quan hiểu biết và có một cái nhìn toàn diện hơn về di sản văn hóa thế giới độc đáo này.

Thanh Hóa siết chặt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản - Ảnh 1.

Một góc Thành nhà Hồ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Trịnh Hữu Anh cho biết, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã xây dựng nhà trưng bày với diện tích 200m2, trưng bày 600 hiện vật tiêu biểu phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu. Công tác quản lý, bảo quản hiện vật luôn được Trung tâm quan tâm thực hiện, từ lập hồ sơ lý lịch hiện vật, chỉnh lý, vệ sinh và sắp xếp lại hiện vật, đến việc tuyên truyền nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ di sản, nhất là các hiện vật lịch sử.

Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Lam Kinh Nguyễn Xuân Toán cho biết: "Khu Di tích lịch sử Lam Kinh đang lưu giữ khá nhiều hiện vật. Thời gian qua, chúng tôi đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để các hiện vật được bảo quản một cách tốt nhất. Đặc biệt là tại các nơi lưu giữ các bảo vật quốc gia, chúng tôi đều lắp đặt camera giám sát, có hàng rào kỹ thuật bằng gỗ, có biển báo hướng dẫn du khách tham quan nhằm tránh những tác động trực tiếp làm ảnh hưởng đến hiện vật".

Thanh Hóa siết chặt công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản - Ảnh 2.

Một góc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân). Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý di sản hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch; đồng thời tiếp tục phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, giáo dục truyền thống và quảng bá hình ảnh địa phương. Đây không chỉ là trách nhiệm quản lý nhà nước, mà còn là lời cam kết của tỉnh đối với quá khứ và tương lai, gìn giữ những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc xứ Thanh trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan; căn cứ quy định hiện hành của pháp luật và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, khẩn trương triển khai, hướng dẫn các địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan tổ chức thực hiện nghiêm, đầy đủ, có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ các di tích và hiện vật, di vật, cổ vật có giá trị; không để tình trạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích không có hoặc không rõ đơn vị, người đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo vệ, trông nom di tích. Các cơ quan liên quan rà soát, xác định rõ ràng đơn vị và cá nhân đại diện chịu trách nhiệm trực tiếp với từng di tích, không để xảy ra tình trạng “vô chủ”, chồng chéo hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa. Các đơn vị có phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại, phá hoại, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho di tích và hiện vật, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích; không để xảy ra mất, thất lạc hoặc bị xâm hại dưới bất kỳ hình thức nào.

Thanh Hóa có hệ thống di sản phong phú bậc nhất cả nước. Toàn tỉnh đã kiểm kê và công bố 1.535 di tích, trong đó có 856 di tích được xếp hạng, bao gồm: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích cấp quốc gia, 711 di tích cấp tỉnh... Các di tích và hiện vật, di vật, cổ vật đã và đang được lưu giữ trên vùng đất xứ Thanh không chỉ phản ánh quá trình hình thành và phát triển của địa phương, mà còn là nguồn tư liệu vô giá cho việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa và xã hội.

Hoa Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm