Tay vợt Thùy Linh lại kiệt sức

08/07/2025 05:50 GMT+7 | Thể thao

Trận thua 0-2 trước đối thủ người Nhật Bản là Manami Suizu đã khiến Nguyễn Thùy Linh lỡ cơ hội giành chức vô địch Canada Open 2025, một giải đấu thuộc hệ thống Super 300. Theo Thùy Linh, cô thua trận vì đã cạn kiệt sức lực sau khi phải bắt đầu giải đấu từ vòng sơ loại và vượt qua khá nhiều đối thủ nặng ký.

Dù thua nhưng với 5.950 điểm có được từ ngôi á quân, Thùy Linh đã tạm vươn lên xếp hạng 20 thế giới theo công bố mới nhất từ BWF. Đây là thứ hạng cao nhất trong sự nghiệp của Thùy Linh, điều mà cô từng có được hồi tháng 10/2024. Hiện tại, chỉ mới là tháng 7, vẫn còn nhiều giải đấu để tích điểm từ nay đến cuối năm nên người hâm mộ vẫn có thể hy vọng vào sự thăng tiến thứ hạng của tay vợt số 1 Việt Nam.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Dù lọt vào tốp 20 thế giới nhưng điểm số của Thùy Linh cách rất xa các đối thủ xếp trên và gần như cô không thể có được thứ hạng tốt hơn ngoại trừ có "kì tích".

Hệ thống BWF World Tour chia thành 5 hạng đấu tính điểm, cao nhất là Super 1000, rồi lần lượt là 750, 500, 300 và 100. Gỉai càng khó thì điểm thưởng càng cao. Khả năng giành chiến thắng của Thùy Linh chủ yếu tập trung tại hạng Super 300, hệ thống mà tay vợt của chúng ta chưa từng có danh hiệu vô địch nào.

Từ nay đến cuối năm, Super 300 chỉ còn 3 giải, trong khi đó đây là giai đoạn diễn ra cấp tập các giải 500 và 750, cũng là thời điểm các tay vợt mạnh tập trung thi đấu và kiếm điểm khiến cho thứ hạng của Thùy Linh có nguy cơ tụt dần do điểm tích lũy sẽ ít dần.

Năm nay Thùy Linh đã 28 tuổi, cô là người lớn tuổi thứ 3 trong tốp 20 thế giới hiện nay. Những tay vợt hàng đầu đều nằm trong độ tuổi 25-27, điều này có nghĩa là Thùy Linh đang ở đỉnh cao sự nghiệp của mình, chứng minh qua 2 lần vươn lên vị trí cao nhất sự nghiệp chỉ trong vòng 8 tháng. Nhưng cũng vì thế, chúng ta cũng hiểu rằng, sự nghiệp của Thùy Linh khó mà duy trì được lâu hơn nữa dù cá nhân cô đã nỗ lực tột cùng.

Khi Nguyễn Thùy Linh lại kiệt sức  - Ảnh 1.

Phía sau Thuỳ Linh là một khoảng trống mênh mông vì hiện tại vẫn chưa thấy cây vợt nữ nào có tiềm năng để thay thế cô. Ảnh: Hoàng Linh

Trong Top 20 nữ thế giới hiện tại, có đến 4 tay vợt Thái Lan, 2 đến từ Indonesia và 1 là của Singapore, Việt Nam. Nội dung nữ là thế mạnh của cầu lông Đông Nam Á (trong khi chỉ có 1 đại diện tại tốp 20 nam).

Thái Lan hiện là quốc gia đứng đầu, vượt qua "cường quốc" một thời Indonesia. Thế nhưng, ngoài Thùy Linh, thì thứ hạng tốt nhất của một tay vợt nữ Việt Nam khác là "lão tướng" Vũ Thị Trang ở tận hạng 157. Chỉ cần nhìn vào con số này, chúng ta cũng biết là nếu Thùy Linh "mỏi gối, chồn chân" thì xem như cầu lông nữ của Việt Nam không còn ai tiếp bước.

Đây thật là điều đáng tiếc. Từ nguồn cảm hứng của Nguyễn Tiến Minh, cầu lông Việt Nam tưởng đã có những đột phá về khía cạnh đầu tư để đạt các bước tiến ở một môn chơi mà chúng ta có tiềm năng để vươn tầm thế giới.

Nhưng 15 năm kể từ sau thời đỉnh cao của Tiến Minh, chúng ta chỉ có thêm một Nguyễn Thùy Linh và khoảng trống mênh mông kế tiếp. Nếu thời của Tiến Minh có nhiều nguyên nhân để giải thích về sự ít ỏi tài năng, thì dù thời gian trôi qua khá lâu, số lượng giải đấu tăng lên, công nghệ và điều kiện tập luyện cũng tốt hơn, nhưng về bản chất cầu lông Việt Nam không thay đổi mấy về cách làm, cách đầu tư.

Nội dung nữ hoàn toàn là nơi mà cầu lông Việt Nam có thể tập trung để xây dựng chiến lược dài hạn. Đây là điều mà Thái Lan đang làm rất tốt. Nhưng ngoài Thùy Linh, cầu lông nữ Việt Nam chưa thấy có ai khác để kế thừa, nên sẽ không thể có thêm các thành tích ở các nội dung đánh đôi nữ, đồng đội nữ…

Nghĩa là Thùy Linh vẫn sẽ một mình du dấu đến kiệt sức, từ trong nước cho đến quốc tế. Sự đơn độc ấy rất đáng đế những người quản lý cầu lông phải suy nghĩ, nhất là khi mà môn chơi này đang đứng trước nguy cơ bị thay thế bởi pickleball

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm