09/05/2025 23:19 GMT+7 | Tin tức 24h
Thời gian qua thực trạng sữa giả, thực phẩm chức năng kém chất lượng “len lỏi” vào từng gia đình khiến dư luận bức xúc, đặt ra câu hỏi lớn về đạo đức kinh doanh và hiệu quả quản lý thị trường. Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 9/5, bà Nguyễn Thị Việt Nga (Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đã có những chia sẻ thẳng thắn chỉ ra ba nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này, đồng thời nhấn mạnh, nếu không kịp thời chấn chỉnh, không chỉ sức khỏe người dân bị đe dọa mà còn là uy tín và nền tảng đạo đức của cả hệ thống kinh doanh Việt Nam bị ảnh hưởng.
* Thưa bà, thời gian gần đây các cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều vụ việc liên quan đến sữa giả, thực phẩm chức năng giả khiến dư luận bức xúc. Bà đánh giá thế nào về mức độ nghiêm trọng của tình trạng này?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận mức độ nghiêm trọng của những vụ việc trên. Sữa giả, thực phẩm chức năng giả không chỉ bán tràn lan ngoài thị trường mà còn len lỏi vào cả bệnh viện – nơi đáng lẽ phải là nơi an toàn nhất. Theo thống kê, chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục loại sữa giả. Đây không còn là một vụ việc đơn lẻ, mà là một vấn nạn có tổ chức, có đường dây hoạt động tinh vi và kéo dài. Và nếu không xử lý nghiêm, chúng ta đang đặt sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dân vào vòng nguy hiểm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu, sáng 9/5. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
* Vậy theo bà, vì sao tình trạng này vẫn tiếp diễn dù pháp luật đã có quy định rõ ràng?
- Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất là kẽ hở trong pháp luật và chế tài xử lý. Mặc dù luật hiện hành quy định rất rõ, thậm chí có hình phạt tới 20 năm tù với hành vi làm hàng giả, nhưng thực tế cho thấy vẫn có sự né tránh, lách luật. Nhiều doanh nghiệp biết rõ nhưng vẫn tìm cách công bố sai hàm lượng, thông tin sai sự thật vì biết khả năng bị phát hiện còn thấp.
Thứ hai, lợi nhuận từ việc sản xuất và bán hàng giả quá lớn. Một hộp sữa giả, một lọ thực phẩm chức năng gắn mác "cao cấp", có thể mang về lợi nhuận gấp nhiều lần chi phí bỏ ra. Với mức lời như vậy, không ít người bất chấp vi phạm, chấp nhận rủi ro.
Và điều khiến tôi trăn trở nhất đó là sự suy giảm đạo đức trong kinh doanh. Doanh nghiệp, cá nhân biết đó là sai, là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng vẫn làm vì tiền. Điều này phản ánh sự thiếu quan tâm đến đạo đức doanh nghiệp trong giáo dục và đào tạo hiện nay.
Ảnh minh họa
* Theo bà, cần phải có những giải pháp gì ngăn chặn tận gốc tình trạng này?
- Chúng ta phải đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là về thể chế, chúng ta cần siết chặt hậu kiểm, đặc biệt với các sản phẩm được sử dụng trong bệnh viện hoặc bác sĩ kê đơn. Nếu chưa thể kiểm định tất cả mọi sản phẩm trước khi ra thị trường thì ít nhất, những sản phẩm dành cho người bệnh, người yếu thế – phải có giấy chứng nhận kiểm định từ một bên thứ ba độc lập, đáng tin cậy.
Thứ hai, cần tăng nặng chế tài, cả về xử phạt hành chính lẫn hình sự. Đã đến lúc không thể bao biện cho việc sản xuất hàng giả, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế.
Đặc biệt điều quan trọng nhất là nâng cao đạo đức trong kinh doanh. Hiện nay, môn “Đạo đức doanh nghiệp” đã được đưa vào giảng dạy ở một số trường đại học, nhưng chỉ là môn tự chọn, không bắt buộc. Tôi kiến nghị nên bắt buộc giảng dạy đạo đức kinh doanh trong tất cả các ngành nghề liên quan đến kinh tế, kinh doanh. Khi người làm kinh doanh được giáo dục đạo đức từ sớm, có nền tảng liêm chính, thì họ sẽ biết dừng lại trước ranh giới vi phạm.
Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua yếu tố nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Nhiều người, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, người cao tuổi, vẫn dễ tin vào những lời quảng cáo sai lệch, thiếu thông tin để kiểm chứng. Do đó, công tác truyền thông và bảo vệ người tiêu dùng cũng phải làm mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa.
* Vừa qua, một số bệnh viện cũng xác nhận từng sử dụng sản phẩm sữa không đạt chất lượng. Việc này đặt ra điều gì về việc quản lý, thưa bà?
- Tôi rất tiếc khi phải nói rằng, việc để sản phẩm không đạt chất lượng đi vào bệnh viện là một cảnh báo lớn về lỗ hổng trong quy trình kiểm soát. Đó là nơi lẽ ra phải nghiêm ngặt nhất. Việc này khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi: các bác sĩ, cán bộ y tế thiếu thông tin hay là đường dây phân phối hàng giả quá tinh vi? Dù nguyên nhân nào, thì cũng cho thấy sự cần thiết phải thiết lập cơ chế kiểm định chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm được sử dụng trong bệnh viện.
Theo tôi, ít nhất là với các sản phẩm được khuyên dùng trong đơn thuốc hoặc đưa vào hệ thống bệnh viện, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp giấy kiểm định từ bên thứ ba độc lập. Không thể chỉ dựa vào công bố một chiều từ doanh nghiệp. Có như vậy mới đảm bảo được tính minh bạch, khách quan và bảo vệ được sức khỏe bệnh nhân.
* Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất