Phim hoạt hình 'Dế mèn' ra đời từ phim trường số ở Thái Nguyên

17/05/2025 14:56 GMT+7 | Giải trí

Thái Nguyên tiên phong khai thác công nghệ số và bản sắc văn hóa trong lĩnh vực điện ảnh với sự ra mắt của phim trường số đặt tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICTU).

Theo đó, bộ phim hoạt hình 3D Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội là sản phẩm "trình làng" đầy hứa hẹn của mô hình đột phá này.

Phim điện ảnh Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội dự kiến ra rạp vào ngày 30/5/2025, là sản phẩm đầu tiên đánh dấu bước tiến quan trọng của phim trường số vào lĩnh vực điện ảnh số. Lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học kinh điển Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, bộ phim hoạt hình 3D này không đơn thuần kể lại câu chuyện cũ mà còn được cải biên để phù hợp với thị hiếu hiện đại, mở rộng thế giới nhân vật và lồng ghép yếu tố hành động, âm nhạc mang hơi hướng quốc tế, đồng thời vẫn giữ trọn vẹn tinh thần nhân văn của nguyên tác.

Điểm đặc biệt của dự án là sự tham gia tích cực của sinh viên ICTU trong mọi khâu sản xuất và truyền thông, từ kỹ thuật mô hình 3D, kỹ xảo hình ảnh đến dựng phim. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Trung Nghĩa – Hiệu trưởng ICTU bày tỏ sự tự hào về sự trưởng thành vượt bậc của sinh viên khi được học tập và sáng tạo trong môi trường chuyên nghiệp. 

Trong bối cảnh công nghiệp hoạt hình Việt Nam đang nỗ lực xây dựng những tiêu chuẩn sáng tạo bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã cho thấy tầm nhìn chiến lược khi sớm khởi động dự án xây dựng phim trường số. Đây không chỉ là một phim trường truyền thống mà còn là một nền tảng sáng tạo toàn diện, kết hợp giữa công nghệ số, quy trình sản xuất hiện đại, chương trình đào tạo nhân lực bài bản và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp.

Phim trường số được đặt tại ICTU, với cơ sở hạ tầng đồng bộ bao gồm tòa nhà riêng biệt, hệ thống xử lý đồ họa tiên tiến và trường quay phim chuyên dụng. Mô hình này là sự hợp tác chặt chẽ giữa ICTU, Đại học Thái Nguyên và hãng phim CinePlus, quy tụ lực lượng nòng cốt gồm hơn 200 chuyên gia và gần 10.000 cộng tác viên là sinh viên ICTU, trong đó có khoảng 2.000 sinh viên chuyên ngành đồ họa số và 100 sinh viên chất lượng cao. Lực lượng nhân sự trẻ, dồi dào và được đào tạo bài bản này không chỉ tạo lợi thế về chi phí mà còn đảm bảo chất lượng sản xuất đáp ứng yêu cầu.

Phim 'Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội' ra đời từ phim trường số ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Phim trường số được đặt tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICTU). Ảnh: Thainguyen.gov.vn

Nhiều sinh viên tham gia tích cực vào các công đoạn sản xuất của phim "Dế mèn". Ảnh: Báo Thái Nguyên

Trên mạng xã hội, đông đảo khán giả dành lời khen ngợi dành cho bộ phim hoạt hình 3D này. Đặc biệt, trang chủ chính thức của Cổng thông tin Chính phủ cũng bày tỏ sự động viên, đồng thời đánh giá cao việc xây dựng tiêu chuẩn "sáng tạo bền vững" trong ngành hoạt hình tỉnh Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung:

"Bài hát hay, cảnh quay quê hương đất nước mình đẹp quá! Dù so với các ngành công nghiệp hoạt hình hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta vẫn cần phải học hỏi nhiều, nhưng tín hiệu đáng mừng là thị trường Việt Nam đang dần xây dựng những tiêu chuẩn, mà ở đó hướng tới "sáng tạo bền vững", sáng tạo những nội dung có giá trị và có sức ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Thái Nguyên là một trong những địa phương tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu Thái Nguyên xanh và Thái Nguyên hạnh phúc. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) - Đại học Thái Nguyên (ICTU) đã sớm khởi động Dự án xây dựng phim trường số. Đây được xem là một trong những đột phá trong việc khai thác công nghệ, văn hóa để phát triển kinh tế, tạo đà xây dựng nền kinh tế tri thức cho địa phương.

Theo kế hoạch, phim trường số sẽ chính thức ra mắt vào tháng 7/2025 và đặt mục tiêu từ năm 2026 trở đi, mỗi năm sẽ cho ra mắt tối thiểu một tác phẩm điện ảnh về đề tài văn hóa - lịch sử Việt Nam. 

Phim 'Dế mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội' ra đời từ phim trường số ở Thái Nguyên - Ảnh 5.

Phim trường số vừa là giải pháp, vừa là sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW trong lĩnh vực nghệ thuật, tập trung vào thúc đẩy phát triển nghệ thuật số, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế số của Thái Nguyên và của Việt Nam. Ảnh: Báo Thái Nguyên

Lan Hương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm