Trong phần ghi lý lịch về gia đình, nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên (Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - TAND TP. HCM) thường chỉ ghi rất ngắn gọn: "… Cha mẹ là lão thành cách mạng tham gia hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý".

Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên: "Cương nghị và nhân văn là gen của ba má"

Trong phần ghi lý lịch về gia đình, nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên (Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - TAND TP.HCM) thường chỉ ghi rất ngắn gọn: "… Cha mẹ là lão thành cách mạng tham gia hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý". Chị quan niệm đó là công lao của riêng ba má, không phải của bản thân, nên không cần liệt kê chi tiết làm gì.

Bởi vậy, ít người biết chị là con gái út của nhà trí thức cách mạng hoạt động bí mật là ông Hoàng Lương (bí danh Anh Bảy) và cô giao liên Ba Chỉ (Huỳnh Kim Liên), người đã cùng cha mẹ nuôi giấu những vị lãnh đạo, chính trị viên của Tiểu đoàn 307 oai hùng trong chính ngôi nhà của mình tại Thới Bình thôn, Cà Mau vào những năm thập niên 1950. Cô Ba Chỉ còn nổi tiếng là một trong ba người con gái đẹp nhất xứ Thới Bình lúc bấy giờ (trong đó có nữ anh hùng liệt sĩ Hồ Thị Kỷ). Sau đó, ông bà Lương - Liên được tổ chức phân công lên Sài Gòn hoạt động cách mạng trong đầu não của địch sát cánh như cặp bài trùng với anh hùng liệt sĩ Hồ Hảo Hớn là Khu ủy viên Khu Sài Gòn - Gia Định; Bí thư Thành Đoàn đầu tiên Sài Gòn - Gia Định lúc bấy giờ.

Ông Hoàng Lương xuất thân trong gia đình danh giá, giàu có ở miền núi phía Bắc, được cha mẹ cho học hành đến nơi đến chốn. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ và giỏi võ thuật, kiếm thuật, cung tên từ nhỏ nhưng do sớm giác ngộ Cách mạng nên ông đã thoát ly gia đình Nam tiến. Ông là một trong những đại đội trưởng tham gia giành chính quyền năm 1945 và được sự dìu dắt trực tiếp của Bí thư Xứ ủy Nam kỳ - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ là Giáo sư Trần Văn Giàu.

Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên: "Cương nghị và nhân văn là gen của ba má" - Ảnh 1.

Nhà hoạt động cách mạng Hoàng Lương và cô giao liên Ba Chỉ - Huỳnh Kim Liên

Ông bà được tổ chức cách mạng sắp đặt hôn ước, chính giáo sư Trần Văn Giàu và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đứng ra làm chủ hôn cho ông bà - đó cũng là một đám cưới nổi tiếng bậc nhất ở chiến khu.  Họ có với nhau 7 người con, 5 trai và 2 gái; nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên là con gái út, sau chị còn một người em trai.

Chị Bích Duyên kể niềm tự hào của ba má chị mà chị luôn được nghe nhắc đến từ thuở nhỏ không phải là những công lao hay chiến công hiển hách của ông bà suốt khoảng thời gian trường kỳ kháng chiến, những năm tháng bị giam cầm hay tra tấn nơi chốn lao tù, mà là sự trưởng thành và thi đỗ vào các trường đại học danh giá của tất cả 7 anh chị em trong gia đình dù hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn.

Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên: "Cương nghị và nhân văn là gen của ba má" - Ảnh 2.

Trong công việc, nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên luôn cố gắng tối đa để dung hòa giữa lý và tình

Nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên không phải là nữ thẩm phán trẻ nhất trong ngành khi được bổ nhiệm, nhưng chị tự hào về hành trình cố gắng, phấn đấu, học hỏi, trau dồi kỹ năng, nghiệp vụ không ngừng nghỉ để xứng đáng với ba má, những người đã sống trọn vẹn cho quê hương, đất nước và lý tưởng của mình.

Chị chia sẻ: "Đa số anh chị em và cả những người cháu con trong gia đình đều là bác sĩ CK cấp II, có người còn có cả bằng bác sĩ Đông lẫn Tây y, nên nếu tôi cũng chọn theo ngành y có lẽ đã thuận lợi hơn một chút, nhưng tôi lại chọn ngành luật, một ngành mà tưởng chừng như rất khô khan và "khó nhằn". Tuy là cô con gái út trong nhà được cha mẹ, anh chị cưng chiều từ nhỏ nhưng tôi vẫn cương quyết dấn thân, góp phần nhỏ bé vào sự bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức theo quy định pháp luật".

Hơn 20 năm công tác trong ngành tòa án, thẩm phán Bích Duyên nói rằng khó khăn nhất là việc cân bằng giữa cái lý và tình, giữa công việc chuyên môn và đời tư, giữa sự cương nghị và tính nhân văn cần có của con người được Nhà nước và nhân dân giao phó "cầm cân, nảy mực". "Tôi luôn hãnh diện, tự hào ngầm vì ba má tôi vốn là cán bộ lão thành cách mạng, ông bà đã kiên định, trường kỳ kháng chiến cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vô cùng gian lao nhưng sau khi thống nhất đất nước, ông bà đã trở về sống một cuộc sống đời thường âm thầm giản dị bên gia đình con cháu, không yêu cầu, không đòi hỏi, không bon chen… tính cương nghị và nhân văn là gen của ba má, nên bản thân cứ thế mà làm, không sợ mất cân bằng hay lệch lạc".

Chị cũng nói rằng, có thể vì gen của ba má là vậy, nên trong nhiều trường hợp được phân công giải quyết cụ thể những hồ sơ, vụ án phức tạp, chị luôn cố gắng tối đa để dung hòa giữa cái lý cái tình, để tất cả đều cảm thấy nhẹ nhàng và tâm phục khẩu phục khi bước ra khỏi cổng tòa án. Chị luôn tâm niệm "Vô phúc mới đáo tụng đình" nên bên cạnh vận dụng các quy định pháp luật, chị luôn đặt mình vào địa vị các bên tham gia tố tụng để giải quyết. Đặc biệt, với lĩnh vực gia đình và người chưa thành niên - thẩm phán chuyên trách luật pháp càng cần kinh nghiệm, tri thức về tâm lý học, khoa học, giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Ngoài ra, sự cương nghị và tính nhân văn là công cụ hữu hiệu để giúp hàn gắn nhiều rạn nứt trước ly hôn, đã giúp vun bồi cho lứa tuổi chưa thành niên vững vàng hơn khi bước vào tuổi trưởng thành.

Trước khi chia tay, nữ thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên một lần nữa muốn nhắn gửi độc giả: "Ra tòa là việc chẳng vui vẻ gì, nên hãy sống và làm sao cho thật văn minh, công bằng và cân bằng, để mọi việc được nhanh chóng, nhẹ nhàng, bớt phiền lụy cho các bên".