Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị: Chứng tích sống động về lý tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến

26/07/2025 08:50 GMT+7 | Tin tức 24h

Không chỉ là những trang viết thấm mùi khói súng mà còn có những lời trăn trối như khúc tráng ca viết vội trước giờ ra trận, những dòng yêu thương gửi lại vĩnh viễn giữa lửa đạn và sự sống mong manh.

"Thôi nhé mẹ đừng buồn… coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau". Một câu vĩnh biệt. Nhưng cũng là một lời trăng trối bình thản, xúc động và thiêng liêng. . . Câu chữ giản dị ấy, được viết trong bối cảnh ranh giới giữa sự sống và cái chết, đã trở thành biểu tượng cho một thế hệ sẵn sàng dâng hiến tuổi xuân cho độc lập, tự do của dân tộc !

Người viết câu đó là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh năm 1950 tại tỉnh Thái Bình (cũ), khi ấy là sinh viên năm thứ tư Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 11/9/1972, giữa những ngày Thành cổ Quảng Trị đỏ lửa trong chiến dịch 81 ngày đêm, anh viết lá thư cuối cùng gửi về gia đình. Lá thư dài gần mười trang giấy học trò, sau này được xem như một bản di chúc thiêng liêng, khúc tưởng niệm sống động về lòng yêu nước của một người lính trẻ, được viết giữa bom đạn và lằn ranh sinh tử.

Người lính bước vào trận đánh

Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, chiến sự tại Quảng Trị diễn ra khốc liệt nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Khi đó, Lê Văn Huỳnh đang là sinh viên năm cuối, đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Chỉ vài tháng sau, tháng 8/1972, anh có mặt tại chiến trường ác liệt nhất: Thành cổ Quảng Trị, nơi được ví như "túi bom", "chảo lửa" của cuộc chiến.

Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị: Chứng tích sống động về lý tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến - Ảnh 1.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Mỗi ngày, hàng chục nghìn quả đạn pháo đổ xuống khu vực rộng chưa đầy 3km². Người lính trẻ 22 tuổi hiểu rất rõ rằng mình đang đi vào nơi "không hẹn ngày trở lại". Nhưng không một lời than thở, không một dòng kể khổ. Trong một đêm hiếm hoi tạm lắng tiếng bom, anh ngồi viết thư, không phải để nói về hiểm nguy mà để dặn dò mẹ, cha, vợ, em trai tất cả những gì cần nói lần cuối.

Anh viết cho mẹ: "Con rất hiểu cuộc đời mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn. Song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng… Thôi nhé mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau".

Không hề có một dòng nói về nỗi sợ; cũng không một lời bi lụy. Chỉ có sự bình thản, chuẩn bị kỹ càng và một lòng tin vững chắc vào lý tưởng mà anh đã chọn. Trong bức thư ấy, cái chết không được coi là tận cùng. Đó là tất yếu của sự hiến dâng cho Tổ quốc, non sông.

Lá thư không giống một lời chia ly mà giống như một sự sắp đặt lặng lẽ, đầy tỉnh táo, trước giờ phút chia xa. Anh dặn mẹ gìn giữ sức khỏe, nhắn gửi người vợ trẻ: "Khi nhận được thư này em hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm". Anh căn dặn em trai nhỏ: "Hãy học hành đàng hoàng, thay anh phụng dưỡng cha mẹ". Và rồi, giữa những dòng tràn ngập yêu thương, là những câu khô khốc đến rợn người: "Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu, ngược trở lại, hỏi thăm thôn Nhan Biều 1. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đó tìm sẽ thấy mộ ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn".

Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị: Chứng tích sống động về lý tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến - Ảnh 2.

Nguyên bản bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh trước khi được phục dựng. Nguồn: baodantoc.vn

Giữa chiến địa, trong thời khắc không thể đoán định sự sống, người lính ấy vẫn nghĩ đến việc để lại địa chỉ nơi mình nằm xuống. Đó không phải sự tình cờ mà là sự chuẩn bị đến tận cùng của một người biết mình ra đi không trở lại, nhưng vẫn mong đồng đội, người thân sau này không bị lạc lối tìm kiếm.

Ba mươi năm sau, năm 2002, hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được tìm thấy chính tại nơi được anh mô tả trong thư, một điều khiến nhiều người xúc động đến nghẹn ngào.

Lá thư hóa khúc tưởng niệm

Bao thế hệ trở về với Thành cổ Quảng Trị đều rưng rưng xúc động trước bức thư ấy. Lá thư của một người lính tuổi đôi mươi, viết giữa bom rơi đạn nổ, vẫn đầy ắp tình yêu thương, sự hy sinh, và niềm tin vững chãi vào ngày toàn thắng.

Không ai bắt họ phải viết thư trước khi ra trận. Không ai ép họ phải dặn lại từng lời, từng chữ. Nhưng họ đã viết, đã sống và họ đã hy sinh như thể đó là điều tự nhiên nhất trong nghĩa vụ với non sông, đất nước.

Bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh chỉ là một trong hàng nghìn bức thư, nhật ký, lời nhắn gửi còn lại từ Thành cổ. Nhưng nó trở thành một biểu tượng. Một phần linh hồn của mảnh đất thiêng liêng này, nơi cả vạn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong chiến dịch bảo vệ Quảng Trị năm 1972.

Những lá thư đặc biệt từ Thành cổ Quảng Trị: Chứng tích sống động về lý tưởng, tinh thần yêu nước vô bờ bến - Ảnh 3.

Di vật của liệt sĩ được trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Sau hơn ba thập kỷ nằm trong lòng đất mẹ Quảng Trị, năm 2002, hài cốt anh được đưa về quê nhà Thái Bình trong một lễ truy điệu trang nghiêm. Lá thư thiêng được chép tay, in lại, đọc lại trong các buổi sinh hoạt truyền thống, lễ tri ân; trở thành bài học sống động về lòng yêu nước cho thế hệ trẻ; trở thành ngọn đèn soi sáng trong lòng những người đang sống.

Hằng năm, mỗi dịp 27/7, tại đài tưởng niệm Thành cổ, từng nhóm bạn trẻ cầm trên tay, đọc bản sao của lá thư. Họ đứng lặng trước bia đá, lắng nghe "Hồn tử sĩ" vang lên, mắt rưng rưng giữa âm vang trầm mặc của lịch sử. Cựu chiến binh Phạm Văn Cừ (Thanh Hóa), từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị, nghẹn ngào khi trở lại Thành cổ: "Thư của Huỳnh là ngọn đèn. Và ngọn đèn ấy đã giúp tôi luôn tin vào lý tưởng mà thế hệ chúng tôi đã chọn…".

Giữa ranh giới sinh tử, người ta thường chọn im lặng. Nhưng liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã chọn để lại một bức thư; một lời vĩnh biệt; một dấu ấn bất tử.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ mùa Hè đỏ lửa ấy. Nhưng lá thư của người lính 22 tuổi vẫn như một ngọn lửa âm ỉ cháy trong ký ức dân tộc. Đó không chỉ là tư liệu mà còn là linh hồn, lời gọi từ quá khứ; chứng nhân nhắc nhở mỗi chúng ta rằng: Tự do hôm nay là kết tinh từ máu, nước mắt của biết bao người con anh dũng. Những người lính ấy đã chọn sống trọn vẹn và hy sinh như một ngọn lửa bất diệt của lòng yêu nước.

Bài 3: Những lá thư vĩnh biệt từ chiến trường Quảng Trị

Nguyên Linh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm