Nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Những gian truân của đất nước chỉ làm tăng thêm sức mạnh ngòi bút

07/05/2025 06:59 GMT+7 | Văn hoá

Ngay sau ngày 30/4/1975, nhà văn Đoàn Minh Tuấn đã có mặt ở Sài Gòn. Sống ở mảnh đất phương Nam này 50 năm, có nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực văn chương, báo chí của TP.HCM, ông chia sẻ suy nghĩ của mình trong không khí tưng bừng của cả đất nước.

"Lúc đầu, tôi mới chỉ có ý định sẽ vào Sài Gòn thôi, nhưng thủ trưởng của tôi là nhà báo Huỳnh Văn Tiểng vào nhận công tác tại miền Nam, ông đã xin cho tôi đi cùng. Trước đó, tôi phụ trách tuyên truyền võ trang của mặt trận Buôn Ma Thuột, đã có kinh nghiệm làm báo, viết văn từ trong chiến trường, nhưng chỉ khi vào TP.HCM mới bắt đầu làm truyền hình và là trợ lý cho Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM (HTV), phụ trách các công việc đối nội đối ngoại mà tổng giám đốc giao phó" - nhà văn Đoàn Minh Tuấn bắt đầu cầu chuyện.

* Những ngày đầu vào thành phố, ngay sau ngày thống nhất, hẳn có nhiều kỷ niệm với ông?

- Tôi đã có lúc nghĩ mình không có cơ hội đặt chân đến Sài Gòn, thậm chí nghĩ mình không còn cơ hội được sống. Chiến tranh mấy chục năm mà. Gia đình tôi có đến 4 anh em liệt sĩ, chuyển nhà đến 7 lần vì chiến tranh. Vì thế được sống trong hòa bình, thống nhất là điều khó tưởng, dù bao giờ cũng mong ước.

Ngày 1/5/1975, tôi và nhà văn Nguyễn Văn Sáng đi từ Đà Nẵng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Từ sân bay về trung tâm, chúng tôi không gọi xe hơi, mà thuê một chiếc xe máy chạy bình bịch để có thể ngồi thoải mái xem thành phố. Sau bao nhiêu năm chúng tôi ở rừng là chính, sống xa thành phố, điều ấy thú vị vô cùng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến thành phố.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Những gian truân của đất nước chỉ làm tăng thêm sức mạnh ngòi bút - Ảnh 1.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn

Thời điểm đó, nhân dân rất phấn khởi, họ cầm hoa, cầm cờ, cầm quà bánh ra đón đoàn quân giải phóng. Khi đi qua Bảy Hiền, người dân thấy chúng tôi mặc quân trang giải phóng, họ vui mừng tung vào xe nước ngọt, bánh chưng, bánh tét... Người lái xích lô máy cho chúng tôi cũng không lấy tiền, họ niềm nở nói với chúng tôi rằng đón được chiến sĩ về thành phố vui lắm, tiền nong làm gì? Một cảm giác gần gũi đặc biệt, với tấm lòng cởi mở và tôi yêu quý người dân Sài Gòn ngay từ đó.

Có những anh chiến sĩ còn được người dân mời về nhà chơi và được đón tiếp rất nồng nhiệt. Như đã nói, trong chiến tranh ở rừng là chính, sống giữa bom đạn, có khi tưởng không còn cơ hội được sống, khi thống nhất non sông, bước chân vào thành phố, cảm giác như mình đặt chân vào một kỷ nguyên khác.

Lúc ấy, tôi tưởng tượng rằng, xưa dân tộc ta đánh thắng quân Nguyên Mông mấy trăm năm về trước hào hùng và to lớn thế nào thì trận đại thắng này có lẽ còn to lớn hơn thế.

"Với những với nhà văn chân chính, yêu nước, thì những gian truân của đất nước chỉ làm sức mạnh ngòi bút họ tăng thêm, để viết hay hơn" - NHÀ VĂN ĐOÀN MINH TUẤN.

* Sau 1975, viết văn, làm báo ở TP.HCM, ông thấy đời sống văn chương, báo chí của thành phố này có sự thay đổi như thế nào?

- Sau khi làm trợ lý Tổng Giám đốc HTV, tôi từng làm Tổng biên tập tạp chí Toàn cảnh của Bộ Thông tin và Truyền thông, sau còn là Phó Tổng biên tập báo Văn hóa, phụ trách khu vực phía Nam.

Cùng với những đổi thay thời cuộc của đất nước, đời sống văn chương, báo chí TP.HCM có nhiều dấu ấn. Sau 1975, vào hoạt động trong môi trường báo chí, tôi đã thấy các bạn trẻ được đào tạo bài bản… Gần đây báo chí, văn chương trong thời đại chuyển đổi số càng nhiều bước chuyển mình hơn nữa. Hàng chục năm trước đó, chúng tôi không có đội ngũ phóng viên hiểu biết, nắm được chìa khóa công nghệ như hiện nay.

Đúng như nhận định "Văn Bắc, báo Nam". TP.HCM là mảnh đất màu mỡ của báo chí. Người dân có đặc tính sôi nổi, hết mình, cởi mở và báo chí có môi trường rộng mở để phát triển.

Ngày xưa, nói về những người làm báo ở thành phố này, tôi rất quý ông Vũ Hạnh. Trong kháng chiến, ông Vũ Hạnh ở ngay Sài Gòn, phanh ngực dũng cảm đứng trước lưỡi lê của quân giặc mà vẫn viết văn viết báo đấu tranh được.

Hoặc như nhà văn Trang Thế Hy, ông chưa được một giải thưởng danh giá nào, đó cũng là điều rất đáng tiếc; nhà thơ Hoài Vũ cũng vậy… Về mặt tài năng, nhìn vào tác phẩm của họ, khó mà phủ nhận, hơn nữa về mặt nhân cách, họ xứng đáng là tấm gương về văn chương, báo chí suốt mấy mươi năm qua. Họ đều là những người có biệt tài, hết mình với văn chương và có lối sống mộc mạc, yêu quê hương, đất nước, con người, dành tình yêu đặc biệt với văn chương. Dù biết rằng, những người như Trang Thế Hy, Hoài Vũ... thì không tha thiết với giải thưởng, nhưng theo tôi, không trao giải thưởng ghi nhận họ là một sự đáng tiếc.

* Vì sao ông được xem là nhà văn giao lưu, kết nối giữa các nhà văn thế hệ trước và thế hệ sau?

- Đơn giản vì tôi sống trong môi trường văn chương khá lâu nên có cơ may gặp gỡ nhiều tên tuổi nhà văn. Từ những tên tuổi lớn trong văn chương Việt Nam như nhà văn Kim Lân, Tô Hoài, Nguyễn Tuân... và đến nay, dù gần 100, thì tôi vẫn có những người bạn văn vong niên ở thế hệ 6X, 7X, 8X...

Tôi có kỷ niệm đáng nhớ thời mới bước chân vào văn chương với Tô Hoài, Nguyễn Tuân…, lúc ấy họ đã là những nhà văn tên tuổi. Tôi tìm đến nhà Tô Hoài chơi, rồi ông dẫn tôi đến nhà Nguyễn Tuân chơi. Ông Nguyễn Tuân nhìn thấy một người mới vào nghề, đang học đại học, thì rất quý. Ông Tuân không phải là người dễ chơi, dễ quen, người có tài lực, cường quyền không dễ làm gì ông được. Nhưng chính sự ham học hỏi đã giúp tôi kết nối cùng ông.

Nhà văn Đoàn Minh Tuấn: Những gian truân của đất nước chỉ làm tăng thêm sức mạnh ngòi bút - Ảnh 3.

Tuyển tập Đoàn Minh Tuấn

Thực ra khi theo Nguyễn Tuân, tôi giống như tay điếu đóm cho ông. Có lần đi giao lưu ở ĐH Sư phạm Hà Nội, Tô Hoài và Kim Lân nói đùa: Điếu đóm của mình (tức là của các ông ấy) mà cụ còn không cho theo, đằng này điếu của cụ, đóm của cụ mà cậu được giữ, được theo, là hay lắm rồi. Có lẽ ông Tuân nhận thấy tôi là người có nhân cách (cười).

Bản thân tôi cũng tin rằng mọi người khi đánh giá nhà văn Đoàn Minh Tuấn, chắc không ai có thể nói rằng tôi sống thiếu nhân cách. Những người bạn văn chương quý nhau trọng nhau chính là ở điều ấy.

Trong lý lịch, Nguyễn Tuân cũng viết hết sức đơn giản, "biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ", dù ông giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Nga… Cũng như Trang Thế Hy, chỉ ghi có chống Pháp và chống Mỹ, không cần ghi đến chiến công, dù nhiều chiến công.

* Nhìn lại hành trình đã đi qua, theo ông, vì sao ở những giai đoạn cơm không đủ ăn, rượu không đủ uống mà các nhà văn, nhà thơ lại có thể viết văn hay và có những tình bạn đẹp đến thế?

- Trước hết, nhìn về những nhà văn có tài năng, có phẩm chất, thường là những người yêu nước chân chính. Từ xưa đến nay, những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng không ai chống lại tổ quốc cả. Sau này, có những nhà văn chống lại tổ quốc thì bản thân họ cũng tự bẻ cong luôn ngòi bút của mình. Với những với nhà văn chân chính, yêu nước, thì những khốc liệt, gian truân của đất nước chỉ làm sức mạnh ngòi bút họ tăng thêm, để viết hay hơn.

Và đặc biệt, xét về hoàn cảnh cá nhân, tôi thấy hầu như càng sống trong nghèo khổ, khốc liệt, thì nhà văn, nhà thơ lại càng có những cảm hứng sáng tạo độc đáo. Đa số những người đau khổ thì nước mắt giúp trang viết thấm thía hơn.

Nhà văn bây giờ có nghề nghiệp giỏi hơn, được đào tạo tốt hơn, nhưng đa số họ thiếu sự kiên nhẫn, sự rèn luyện. Ngoài ra, hoàn cảnh xã hội bây giờ, đa số các nhà văn sẽ nghĩ đến chuyện làm kinh tế quan trọng hơn làm văn học nghệ thuật, chính điều đó là một rào cản, khiến văn chương cũng như mối quan hệ văn chương, không còn vị thế như trước.

Với nhà văn, sự rèn luyện quan trọng vô cùng. Ở lĩnh vực văn chương, năng khiếu không quan trọng bằng rèn luyện. Việc học hỏi, nâng cao tay nghề là một quá trình lâu dài, mà bất cứ ai, nếu muốn viết, đều phải tự rèn luyện thêm. Rèn luyện kỹ năng viết, rèn luyện tài năng, rèn luyện tâm hồn mình đẹp hơn, rèn luyện cả tinh thần yêu nước... Không phải chỉ khi chiến tranh, ra trận, mới là yêu nước, mà ở hoàn cảnh nào của đất nước thì sẽ có những cách yêu nước theo hoàn cảnh đó.

* Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Võ Thu Hương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm