"Ngoài tình yêu em, anh còn tình yêu nước"

13/05/2025 08:42 GMT+7 | Giải trí

Đây là một câu hát khá bắt tai trong bài Tự hào màu áo lính đang được nhiều bạn trẻ biết đến. 

Khoan nghĩ tại sao 2 vế câu không đảo ngược lại mà hãy đặt bối cảnh câu hát, tác giả và người hát đều còn rất trẻ, đang sống trong thời hiện tại, qua đó thấy trách nhiệm với đất nước và thực hiện nghĩa vụ quân sự, đứng trong hàng ngũ người chiến sĩ, góp sức mình cho quê hương là một trách nhiệm của người trẻ.

Tự hào màu áo lính không đơn thuần là một ca khúc mới mà còn là một gợi ý mở rộng khai thác đề tài người lính giai đoạn hiện nay.

Một bài hát giản dị, gần gũi

Tự hào màu áo lính được Long Họ Huỳnh sáng tác và là một sản phẩm mới dưới định dạng MV của ca sĩ Thái Học. Phát hành vào ngày 1/11/2024 trên kênh YouTube Nguyễn Thái Học Official với 1,54 triệu người đăng ký, sau nửa năm, MV thu hút 9,7 triệu lượt xem, 37 nghìn lượt thích, hơn 2.400 bình luận. Ngoài sản phẩm MV là chính, Tự hào màu áo lính còn có thêm nhiều phiên bản trên các nền tảng khác nhau. Gần đây nhất, ngày 28/4/2025, nam ca sĩ này ra phiên bản lyric video Tự hào màu áo lính đến nay (12/5) đạt gần 230 nghìn lượt xem, thu hút gần 200 bình luận.  

Trên thực tế, ca khúc chủ đề về người lính thường có những giai điệu hào hùng, khí thế với những hình ảnh mang tính biểu tượng. Tự hào màu áo lính cũng hàm chứa tinh thần tự tin, lạc quan, cống hiến của tuổi trẻ, song đồng thời, còn là một ca khúc mang đậm tính trữ tình, có hơi hướng tự sự, nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu của tuổi trẻ ngày nay và có gắn liền với việc đi nghĩa vụ quân sự.

"Ngoài tình yêu em, anh còn tình yêu nước" - Ảnh 1.

Ca sĩ Thái Học trong MV "Tự hào màu áo lính"

Có thể nói, Tự hào màu áo lính chứa đựng cảm xúc, tôn vinh hình ảnh người lính trẻ thời bình và gắn kết với tình yêu đôi lứa. Ca khúc đã khắc họa tâm tư rất chân thành của người lính trẻ phải tạm xa người yêu để thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Giọng hát của Thái Học tình cảm, rõ lời, tạo được cảm xúc cho người nghe.

Về âm nhạc, Tự hào màu áo lính gần gũi với các ca khúc truyền thống, có bố cục và kết cấu khá chặt với đoạn mở đầu và phần điệp khúc là sự phát triển liền mạch về chất liệu và màu sắc âm nhạc. Tuy thế, nó vẫn gợi lên cảm giác về hơi thở mới của âm nhạc trong giới trẻ hiện nay, chứ không bị rơi vào mô-típ cũ kỹ.

Phần phối khí của ca khúc khá hiện đại nhưng không làm mất chất trữ tình. Đó là sự kết hợp giữa pop-ballad với chất liệu acoustic, vừa tạo được chiều sâu cảm xúc, vừa giữ được sự mộc mạc, gần gũi. Điều này giúp ca khúc không bị "đao to búa lớn" mà vẫn truyền được tinh thần thiêng liêng, tự hào.

Phần giai điệu, đặc biệt là phần điệp khúc của Tự hào màu áo lính, có thể coi là điểm nhấn "cuốn tai" nhất của ca khúc. Phần điệp khúc được xây dựng với quãng âm rộng vừa phải, tạo cảm giác "bật lên" đầy tự hào, rất phù hợp với thông điệp ngợi ca người lính. Giai điệu có tính cộng đồng cao, và đây là yếu tố thường thấy trong các ca khúc truyền cảm hứng mang tính tuyên truyền tích cực.

Ca từ giản dị, gần gũi và rõ nghĩa, được mở đầu một cách khá tự nhiên như câu chuyện được chàng trai trẻ kể lại: "Vừa mới biết tên em vài hôm/ Xong giờ anh sẽ phải đi xa/ Anh chẳng có gì quý giá/ Hái nhành hoa gửi em làm quà". Rồi tâm sự rất thực thà của anh lính trẻ đi nghĩa vụ: "Khoác lên vai mà đi, yêu thương người làm hành trang anh đi/ Gạt hết nước mắt nam nhi/ Lời hứa quay về anh làm dũng khí". Và vì: "Em luôn là hậu phương vững chãi" cho nên: "Để anh đi khắp muôn phương/ Là niềm tin để anh chiến thắng tương lai"…

MV "Tự hào màu áo lính":

Câu hát có giai điệu "bắt tai" nhất, lời ca mang ý nghĩa được bạn trẻ yêu thích nhất trong ca khúc này là đoạn điệp khúc: "Ngoài tình yêu em, anh còn tình yêu nước/ Tiếp bước thế hệ đi trước để bảo vệ non nước/ Em hãy vững lòng, anh có hy vọng/ Anh sớm quay về dẫu cách trở núi sâu"…

Phần hình ảnh của MV cũng được ê-kíp chú trọng, góp phần diễn tả rõ nét hơn thông điệp nhân văn trong phần nội dung ca khúc. Ngoài hình ảnh đôi trai gái, làng quê, mẹ cha thì MV còn xây dựng hình ảnh những người lính thời bình cùng nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ…

Nhìn từ "Tự hào màu áo lính"

"Phần phối khí của Tự hào màu áo lính khá hiện đại nhưng không làm mất chất trữ tình. Đó là sự kết hợp giữa pop-ballad với chất liệu acoustic, vừa tạo được chiều sâu cảm xúc, vừa giữ được sự mộc mạc, gần gũi..." - nhạc sĩ, nhà phê bình Nguyễn Quang Long.

Có rất nhiều người lính trẻ hoặc bạn trẻ đã từng tham gia nghĩa vụ quân sự chia sẻ cảm xúc hoặc để lại bình luận sau khi tiếp cận MV Tự hào màu áo lính. "Mình tự hào vì là người lính nhập ngũ năm 2016 cũng đã đóng góp phần nào (sức trẻ để) bảo vệ Tổ quốc. Giờ xuất ngũ, tư tưởng chính trị vững vàng và làm kinh tế, các bạn thế hệ tiếp cố gắng lên nhé, đi lính là nghĩa vụ thiêng liêng" - tài khoản @VST-Vlog chia sẻ.

Một tài khoản khác bộc bạch: "Tôi sinh năm 2000, 18 tuổi nhập ngũ, hiện đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Nhìn lại 2 năm nhập ngũ không khác gì tôi được sống ở một cuộc đời khác, thật tự hào và hạnh phúc biết bao" (TK @anhao4965).

Ở góc độ khác, tài khoản @DungNguyen-li4fp chia sẻ: "Chồng em làm trong quân đội, em hiểu cảm giác là người hậu phương như thế nào. Vô cùng, vô cùng nhớ chồng nhưng vì đất nước và nghĩa vụ của một quân nhân". Tài khoản này gửi lời cảm ơn đến chủ nhân ca khúc.

Có thể, về chất lượng nghệ thuật sẽ còn đâu đó những hạn chế, đâu đó sẽ có những ý kiến khác, nhưng rõ ràng, nhìn vào trường hợp MV Tự hào màu áo lính sẽ thấy nhiều điều cho việc xây dựng đề tài khắc họa hình ảnh người lính trong giai đoạn hôm nay sao cho hiệu quả.

"Ngoài tình yêu em, anh còn tình yêu nước" - Ảnh 4.

Hình ảnh trong MV "Tự hào màu áo lính"

Cái hay của ca khúc Tự hào màu áo lính là xác định được chủ đề và tìm được hướng đi nên đã nhanh chóng tạo được sự đồng cảm với nhiều người trẻ, cả người lính và hậu phương của họ. Đây là một hướng đi rất đáng được nhìn nhận và cho thấy sự cập nhật, nhạy bén của tác giả ca khúc trong việc đưa hình ảnh người lính vào âm nhạc đương đại.

Xin được mạnh dạn nói thêm về việc chọn khai thác hình tượng người lính trẻ thời bình, thay vì lặp lại mô-típ quen thuộc của người lính thời chiến. Điều này sẽ mang nhiều ý nghĩa nghệ thuật và xã hội: Chẳng hạn, cần làm mới đề tài truyền thống, tránh sự trùng lặp và dễ sa vào sự sáo mòn. Bởi lẽ, chủ đề người lính là một mạch nguồn dồi dào trong âm nhạc Việt Nam, nhưng phần lớn tập trung vào giai đoạn chiến tranh, với những hình ảnh khốc liệt, bi tráng... Việc đưa lên hình tượng người lính trẻ với những tâm tư, tình cảm trong giai đoạn hiện nay sẽ giúp ca khúc trở nên gần gũi, dễ đồng cảm với giới trẻ. Đây cũng là cách kéo đề tài truyền thống đến gần hơn với công chúng đương đại.

Người lính trong Tự hào màu áo lính không chỉ cầm súng, mà còn là một công dân trách nhiệm, sống có lý tưởng, sẵn sàng giúp nhân dân vượt qua mọi khó khăn. Tức là, ca khúc góp phần mở rộng hình ảnh người lính ngày nay thành biểu tượng xã hội thời nay.

Hình ảnh người lính trẻ được đặt trong không gian hiện đại, ở đó có tập luyện, sinh hoạt, giao lưu và cả tình yêu đôi lứa. Điều đó góp phần xây dựng hình tượng người lính chân thật, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp đáng tự hào, giúp ca khúc vừa hàm chứa yếu tố mang tính giáo dục, vừa không xa rời thực tế.

Tóm lại, theo tác giả bài viết, việc sáng tác ca khúc thuộc đề tài người chiến sĩ trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc dùng quá khứ làm nền, cần có thêm những góc nhìn mới, đặc biệt là từ cảm nhận của người trẻ, để từ đó có thể kể câu chuyện của hiện tại một cách chân thành, đúng thời, giúp tác phẩm dễ đi vào đời sống, tác động tích cực đến tinh thần của người trẻ hiện nay, nhất là những người trong cuộc (người lính, người yêu và gia đình).

Ê-kíp "Tự hào màu áo lính" (Thái Học)

Giám đốc sản xuất: Ngô Trọng Văn Hải

Chỉ đạo sản xuất: Lưu Mạnh Dũng

Sáng tác: Long Họ Huỳnh

Hòa âm phối khí: Nguyễn Minh Thụy

Mix-Master: Trịnh Thiên Ân

Đạo diễn: Thái Dương

D.O.P: Duy Nghĩa

Tổ chức sản xuất: Hoàng Trần Xuân Mạnh

Họa sĩ: Cao Sơn Nguyễn

Quay phim: Minh Tân

Dựng phim: Hải Phong

Chủ nhiệm sản xuất: Ngân Hà – Thủy Phương

Trợ lý sản xuất: Thiên Tiếu - Đặng Tuấn

Diễn viên: Lại Thanh Hà, Trường Sơn, Thanh Trúc, Cao Tùng Dương

Điểm: 7,7

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm