23/07/2025 15:09 GMT+7 | Bóng đá Việt
Hồi đầu tháng 7, đề án phát triển bóng đá Việt Nam đã được Bộ VH, TT&DL phê duyệt. Nội dung đề án nêu khá chi tiết các mục tiêu của bóng đá Việt Nam tại các đấu trường như SEA Games, Asiad và World Cup. Với bóng đá nam, chúng ta hướng đến việc dự World Cup vào kỳ 2034 và tầm nhìn sẽ vào tốp 10 châu Á vào năm 2045.
Đây là bản kế hoạch được Cục TDTT đệ trình nên ít nhiều các mục tiêu chủ yếu xoay quanh hoạt động của các đội tuyển quốc gia cũng như hoạt động bên ngoài bóng đá như phát triển phong trào và kinh tế bóng đá. Đó có thể là lý do mà đề án không đề cập nhiều về cấp độ CLB, một sự "vắng mặt" rất đáng tiếc đối với một thành phần cực kỳ quan trọng của bết kỳ nền bóng đá giàu tham vọng nào.
Trong khi đó, bóng đá Việt Nam rất cần có đề án có tầm nhìn riêng dành cho cấp CLB. Đó là yêu cầu mang tính thời đại. Từ chiến thắng đầu tiên của CLB Đồng Tháp ở Cúp C2 châu Á hồi năm 1992 đến nay, bóng đá cấp CLB đã hoàn toàn thay đổi.
Đây đã là một thực thể riêng và giá trị quốc tế của các CLB cũng không còn khuất sau cái bóng của đội tuyển quốc gia. So với trước đây, mật độ thi đấu của CLB Việt Nam trên những đấu trường quốc tế đã vượt cấp độ đội tuyển khi mỗi năm, ít nhất sẽ có 3 CLB được quyền dự giải Đông Nam Á và AFC Champions League.
Nói cách khác, các CLB của chúng ta có những "giấc mơ" của riêng mình. Chúng ta có thể sẽ là nhà vô địch Đông Nam Á, hay Cúp C2 châu Á, có thể hướng đến việc dự AFC Champpions League Elite (Cúp C1) hằng năm và giành quyền vượt qua vòng bảng. Ở góc độ nào đó, khả năng tiếp cận trình độ châu Á đối với các CLB gần hơn so với đội tuyển. Càng hiện thực hóa các giấc mơ cấp CLB càng sớm, thì những mục tiêu thành tích của đội tuyển sẽ càng gần hơn.
CLB CAHN của Quang Hải (giữa) ở mùa bóng vừa qua đã vào tới chung kết ASEAN Clubs Championship. Ảnh: Hoàng Linh
Ở những lĩnh vực khác, các CLB cũng là hạt nhân. Ví dụ như bóng đá trẻ, những đội tuyển U hiện nay có đa số các cầu thủ đến từ những CLB chuyên nghiệp chứ không còn là các "lò" địa phương như trước đây. Hãy nhớ đến trường hợp của lứa U19 năm 2014 và năm 2016 với nòng cốt là của HA.GL và Hà Nội FC.
Họ cũng chính là trụ cột của đội tuyển quốc gia sau đó. Hãy tưởng tượng, nếu các CLB ấy không tự đào tạo trẻ mà chỉ chờ nguồn năng khiếu địa phương thì liệu bóng đá Việt Nam có giai đoạn vàng son để mơ mộng tấm vé World Cup hay không?
Rất tiếc, vai trò của các CLB cho đến nay vẫn chưa được "đặt đúng chỗ" trong những kế hoạch ở tầm vĩ mô, trong khi đấy đâu phải chỉ là trách nhiệm riêng của VFF hay Công ty VPF. Phải chăng vì chúng ta chưa thật sự xem trọng bóng đá cấp CLB nên cho đến nay, hầu như chưa CLB nào được sở hữu sân vận động riêng, họ cũng không quá chú trọng việc thi đấu ở các giải U, đó là chưa nói đến những yếu tố khác như bản quyền, kênh truyền hình riêng, thương hiệu sản phẩm riêng…
Nói thẳng ra, các CLB chuyên nghiệp của chúng ta vẫn đang "tự bơi" và sự tồn tại của họ luôn ở trạng thái "đến đâu, hay đến đó".
Một cách khác, cần trân trọng những 'giấc mơ" của các CLB. Mức độ khó khăn cũng như niềm tự hào vinh quang đều không thua kém gì đội tuyển cả. Họ cần có được những ưu đãi, cần được động viên, cần được trao trách nhiệm trong công cuộc đưa bóng đá Việt Nam vươn tầm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất