07/07/2025 11:36 GMT+7 | Tin tức 24h
Mùa hè không chỉ đơn thuần là kỳ nghỉ sau một năm học bận rộn mà còn là khoảng thời gian vàng để trẻ em phát triển kỹ năng sống.
Điều đáng nói là để có một mùa hè ý nghĩa, cha mẹ không nhất thiết phải chi tiền cho những chuyến du lịch xa xỉ hay các khóa học đắt đỏ. Trái lại, chính những trải nghiệm giản dị, đời thường khi có sự đồng hành từ người lớn, trẻ có thể nhận được những bài học cuộc sống sâu sắc.
Khi trẻ "đói" trải nghiệm giữa kỳ nghỉ dài
Em Lê Duy Hiếu, học sinh lớp 7 một trường Trung học cơ sở thuộc phường Khương Đình, Hà Nội đã nghỉ hè hơn một tháng nay. Kể từ sau buổi tổng kết năm học, Hiếu hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà, thi thoảng sang chơi với vài người bạn cùng ngõ. Buổi sáng em thức dậy muộn, ăn uống qua loa rồi dành phần lớn thời gian để xem tivi, lướt điện thoại. Bố mẹ Hiếu đi làm cả ngày, ít có thời gian quan tâm đến hoạt động của con ở nhà.
Câu chuyện của Hiếu cũng không phải là trường hợp cá biệt. Tại các đô thị lớn, nhiều trẻ em đang trải qua mùa hè trong tình trạng nhàn rỗi, không kế hoạch hay trải nghiệm đáng kể nào. Nhiều phụ huynh thừa nhận họ quá bận rộn, không đủ thời gian hoặc điều kiện kinh tế để tổ chức các hoạt động hè cho con.
Công viên Bách Thảo tạo nên sân chơi bổ ích cho các bạn nhỏ. Ảnh: Lê Đông - TTXVN
Trong khi đó, hệ thống sân chơi công cộng, hoạt động văn hóa thể thao dành cho thiếu nhi tại các khu dân cư vẫn còn thưa thớt và thiếu hấp dẫn. Các chuyên gia cảnh báo, khi cha mẹ quá bận rộn, để trẻ sử dụng thiết bị điện tử triền miên có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: trẻ trở nên thụ động, mất dần sự gắn kết với môi trường xung quanh, giảm hứng thú khám phá thế giới.
Chị Thu Trang (phường Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, sau khi tìm hiểu các khóa học hè cho con, chị thấy nội dung chương trình khá phong phú, hấp dẫn nhưng chi phí lại khá cao, vượt xa khả năng chi trả của gia đình. Những khóa học ngắn hạn kéo dài khoảng một tuần cũng có giá từ vài triệu đồng, các trại hè cao cấp có thể lên tới vài chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. "Vợ chồng tôi làm công ăn lương, lo chi tiêu hằng ngày đã chật vật, lấy đâu ra kinh phí cho con tham gia những chương trình như vậy", chị nói.
Thiếu nhi tham trại hè Thanh Đa năm 2025. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN
Thực tế, tại các đô thị lớn, những năm gần đây, các mô hình hè mang tính thương mại phát triển mạnh mẽ, từ trại hè quốc tế đến lớp học kỹ năng, trại hè công an, quân đội, STEM, ngoại ngữ chuyên sâu... khiến không ít phụ huynh lo ngại, nếu không đủ điều kiện đầu tư, con mình sẽ bị thiệt thòi, thua kém bạn bè.
Trưởng thành từ những điều giản dị
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ phổ biến rằng, phải có điều kiện kinh tế mới tạo được một mùa hè bổ ích, nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, điều trẻ cần nhất là được trải nghiệm thực tế, bắt đầu từ những hoạt động giản dị hằng ngày. Một kỳ nghỉ hè đáng nhớ không nhất thiết phải gắn với những chuyến du lịch xa xỉ, trại hè đắt đỏ hay các lớp năng khiếu tốn kém. Điều quan trọng là trẻ được tham gia, được thử sức, trải nghiệm cuộc sống thực tế trong bầu không khí ấm áp của gia đình và sự kết nối với bạn bè. Một buổi nấu ăn cùng cha mẹ, lần đầu tự tay chăm sóc cây cối, đọc sách trước giờ đi ngủ hay trải nghiệm dọn dẹp nhà cửa... đều có thể trở thành bài học bổ ích nếu người lớn biết cách khơi gợi và hướng dẫn trẻ thực hành.
Khi được vui chơi trong môi trường lành mạnh giúp trẻ em có thêm động lực, tự tin xây dựng ước mơ của mình. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN
Chị Hồ Thị Mai An (phường Hoàng Mai, Hà Nội), mẹ của ba con nhỏ, đã biến kỳ nghỉ hè của các con thành chuỗi hoạt động thường ngày đầy sáng tạo. Không trại hè, không lớp học thêm, chị khơi gợi các con cùng lập kế hoạch cho từng ngày trong tuần: hôm nào dọn nhà, hôm nào đi siêu thị, đọc sách… Mỗi tuần các con sẽ thực hiện một nhiệm vụ nhỏ. "Ban đầu các con còn bỡ ngỡ, nhưng làm quen dần thì rất hứng thú. Cháu lớn nhà tôi học lớp 8 giờ đã biết lên thực đơn mỗi tối, nấu ăn rất khéo. Cháu bé nhất học lớp 2 đã biết phơi quần áo, rửa bát. Mỗi tối, cả nhà lại quây quần kể chuyện trong ngày, mỗi đứa chia sẻ một điều thú vị khiến không khí gia đình trở nên vui vẻ, ấm áp. Quan trọng không phải là làm được gì to tát, mà để trẻ con cảm thấy mình có vai trò, có trách nhiệm với gia đình", chị Mai An chia sẻ.
Thạc sỹ Lê Thị Thanh Hà, chuyên gia tâm lý học cho biết, trẻ em có ba nhu cầu tâm lý cơ bản: được thể hiện bản thân, được kết nối và được tự do sáng tạo. Khi các nhu cầu này được đáp ứng trong môi trường tích cực, trẻ sẽ trở nên năng động, tự tin và biết cách thích ứng với thế giới xung quanh.
Trẻ em đọc sách giúp kích thích nhu cầu đọc, nâng cao kiến thức. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN
Đối với những gia đình không có điều kiện kinh tế, chuyên gia Thanh Hà khuyến khích cha mẹ áp dụng nguyên tắc "tận dụng nguồn lực sẵn có", biến chính không gian sống thường ngày thành lớp học sinh động cho con. Một góc sân nhỏ có thể trở thành khu vườn thực nghiệm để con trẻ tập trồng cây, quan sát thời tiết, ghi chép về quá trình sinh trưởng của cây non như một nhà khoa học nhí.
Căn bếp cũng có thể trở thành lớp học sống động về kỹ năng nấu ăn, rửa bát, sắp xếp đồ đạc, lên thực đơn… Ngay cả những món đồ cũ, chai nhựa, bìa carton cũng có thể trở thành vật liệu sáng tạo để trẻ tự tay thiết kế món đồ chơi cho riêng mình. Nghỉ hè cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để trẻ em tìm đọc những cuốn sách mình yêu thích, điều mà trong năm học, do bận rộn với bài vở, các em không có cơ hội thực hiện. Cha mẹ cũng có thể biến không gian gia đình thành "thư viện mini" bằng việc mua thêm một số đầu sách mới hoặc liên hệ với các nhóm phụ huynh để tổ chức các hoạt động chung cho các con cùng vui chơi.
Trẻ em tham gia hoạt động Stem làm vòng tay. Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN
Thực tế cho thấy, mùa hè là thời điểm lý tưởng để trẻ học những kỹ năng mà sách vở không dạy: biết tự chăm sóc bản thân, sắp xếp thời gian, giao tiếp với người lạ, giải quyết mâu thuẫn nhỏ… hay đơn giản là hiểu được giá trị của lao động thông qua công việc nhà. Những điều tưởng như rất đơn giản như tự dọn giường, chuẩn bị bữa sáng, cùng bố mẹ đi siêu thị, hay lần đầu đi xe bus không có người thân kèm cặp đều để lại dấu ấn quan trọng trong nhận thức và tâm hồn trẻ.
Và cuối cùng, điều quan trọng vẫn là sự hiện diện, đồng hành của người lớn. Khi cha mẹ cởi mở, khuyến khích con thử thách bản thân, chấp nhận và tin tưởng vào khả năng tự lập, trẻ sẽ cảm thấy có động lực học hỏi. Mùa hè chính là khởi đầu cho một lớp học mở rộng không giới hạn. Nếu trẻ được sống trong sự yêu thương, được thử sai, được bộc lộ cảm xúc, học từ chính những điều diễn ra hằng ngày, đó sẽ là nền tảng vững chắc để các em lớn lên không chỉ về thể chất, mà còn về tư duy và cảm xúc.
"Cha mẹ không cần phải đầu tư quá nhiều tiền bạc, quan trọng là sự sáng tạo, kiên nhẫn và tình yêu thương trong từng hoạt động hàng ngày. Mùa hè không nên bị coi là khoảng trống, càng không phải là cuộc chạy đua tiếp nối với chương trình học, mà nên được nhìn nhận như một cơ hội quý giá để trẻ khám phá bản thân và rèn luyện những kĩ năng cần thiết cho sự trưởng thành", chuyên gia tâm lý học Thanh Hà nhấn mạnh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất