03/07/2025 18:30 GMT+7 | Văn hoá
75 năm trước, giữa núi rừng chiến khu Việt Bắc, một khóa học mỹ thuật đặc biệt đã được mở ra trong khói lửa chiến tranh để nối lại mạch đào tạo bị gián đoạn từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng thời viết tiếp dòng chảy mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
1. Những kỷ niệm về khóa học này đã được chia sẻ trong hội thảo quốc tế Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 100 năm kiến tạo mỹ thuật hiện đại và phụng sự đất nước (diễn ra vừa qua tại Hà Nội, do trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm thành lập trường).
Theo TS Lê Xuân Dũng (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), sự kiện Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là dấu mốc lịch sử của Trường Cao đẳng Mỹ thuật (trước đó là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), khi trường bước vào giai đoạn do người Việt Nam tiếp quản và phụ trách giảng dạy, với họa sĩ Tô Ngọc Vân được bổ nhiệm là hiệu trưởng. Tuy nhiên, trong khoảng năm 1946 - 1949, trường không thể mở cửa tuyển sinh.
Thầy và trò khóa Kháng chiến đi vẽ và triển lãm tại Lào Cai khi thị xã vừa giải phóng tháng 1/1951. Ảnh từ sổ tay của cố họa sĩ Nguyễn Thế Vỵ
Do hoàn cảnh bất khả kháng, hiệu trưởng Tô Ngọc Vân đề xuất chuyển công tác đào tạo tập trung lên chiến khu Việt Bắc và được Chính phủ phê duyệt. Từ đó, trường được tiếp tục hoạt động tại địa điểm mới với nhiệm vụ bổ sung là chiến đấu trong mặt trận văn hóa, ra sức tuyên truyền ủng hộ kháng chiến.
Chương trình tuyển sinh khóa Kháng chiến (1950 - 1954) của nhà trường bắt đầu được tiến hành vào mùa Hè tháng 7 năm 1950 tại Yên Dã, Thái Nguyên vốn là nơi tập kết của Hội Văn nghệ khi đó. Kỳ tuyển sinh tiếp theo diễn ra một tháng sau đó tại Đoan Hùng, Phú Thọ. Học viên được tuyển chọn chủ yếu từ các lớp học vẽ, xưởng họa - trước đó vốn phát triển tự phát ở khắp nơi - cộng thêm các thí sinh do các sở, ban ngành, quân đội giới thiệu đến dự thi. Sau 2 kỳ tuyển sinh, trường Mỹ thuật đã tuyển đủ chỉ tiêu, bắt đầu triển khai công tác đào tạo.
Tại chiến khu, hoạt động đào tạo của khóa Kháng chiến cho thấy rõ được tính linh hoạt trong tuyển sinh và dạy học. Theo TS Lê Xuân Dũng, chỉ tiêu ban đầu của nhà trường là 20 học viên. Kỳ tuyển sinh đầu tiên tuyển 12 học viên, kỳ tuyển sinh tiếp theo tuyển 9 học viên, tổng số học viên khi đó đã là 21 người.
Thầy và trò khóa Kháng chiến năm 1952. Ảnh: Sách “Họa sĩ khóa Kháng chiến (1950 - 1954)”
Sau 1 năm lại có thêm học viên Nguyễn Tài Lương (Linh Chi) được đặc cách nhận vào, lý do là "trước Cách mạng đã từng tổ chức triển lãm cá nhân tại Hà Nội". Cũng đầu năm 1951, trường đón thêm 3 học viên nữa là Quang Phòng, Trần Quốc An, Phan Thông. Những học viên này phải bỏ dở việc học từ thời mỹ thuật Đông Dương do hoàn cảnh chiến tranh, nay xin quay về trường học tiếp để tốt nghiệp.
"Việc các học viên này lặn lội lên tận chiến khu để quay lại trường đủ cho thấy tinh thần yêu nghệ thuật và ham học của họ" - TS Dũng bày tỏ - "Và, điều này cũng phản ánh một chương quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam: Trường Mỹ thuật đã "mở trường" trở lại sau một thời gian gián đoạn, với địa điểm mới là núi rừng Việt Bắc".
"Sự ra đời của khóa kháng chiến phản ánh một chương quan trọng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam: Trường Mỹ thuật đã "mở trường" trở lại sau một thời gian gián đoạn, với địa điểm mới là núi rừng Việt Bắc" - TS Lê Xuân Dũng.
2. Trong khi đó, về công tác đào tạo, khóa Kháng chiến để lại dấu ấn với mô hình xưởng họa di động với những thành quả xuất sắc. Theo ông Dũng, mô hình đào tạo của khóa Kháng chiến gần với mô hình đào tạo theo xưởng, thầy kèm trò trực tiếp và thường xuyên thị phạm. Ngay cả khi học trò đi dã ngoại ký họa ghi chép thực tế, thực hành bài tại lớp hay vẽ tranh chuẩn bị cho hoạt động nghề nghiệp như triển lãm, các thầy cũng luôn quan sát học trò tỉ mỉ, gần gũi, đưa ra các gợi ý, chỉ dẫn, nhận xét, hỗ trợ kịp thời.
"Mô hình đào tạo theo xưởng này, phần nào kế thừa tinh thần học tập của thời kỳ Đông Dương. Sự gần gũi quan hệ thầy trò trong việc truyền nghề rõ nét hơn dưới thời kỳ các bậc thầy Nam Sơn, Tô Ngọc Vân bắt đầu nắm quyền phụ trách thay người Pháp" - ông Dũng nhấn mạnh - "Tới khóa Kháng chiến, có thể nói cách thức hướng dẫn trực tiếp và quan hệ thầy trò gắn bó dưới mái trường Mỹ thuật ẩn mình giữa núi rừng - cũng là xưởng họa di động thời chiến - đã trở thành một biểu tượng giáo dục nghệ thuật độc đáo chưa từng thấy".
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thầy trò khóa Kháng chiến quay về địa điểm cũ 42 Yết Kiêu (Hà Nội) tổ chức lại cơ sở đào tạo và bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên sau hòa bình vào đầu năm 1955. Khóa học này vinh dự mang tên hiệu trưởng Tô Ngọc Vân đã hy sinh. Họa sĩ Trần Văn Cẩn được bổ nhiệm thay thế làm hiệu trưởng trường Mỹ thuật.
Hội thảo quốc tế “Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - 100 năm kiến tạo mỹ thuật hiện đại và phụng sự đất nước”
Trong thời gian giảng dạy các khóa Kháng chiến (1950 - 1954) và khóa Tô Ngọc Vân (1955 - 1957), nhà trường đào tạo học viên theo cùng một chương trình. Theo TS Lê Xuân Dũng, "từ chiến khu Việt Bắc về phố xá xưa và mái trường cũ, thầy trò trường Mỹ thuật hoàn tất vai trò nối liền mạch lịch sử 100 năm của nhà trường, tạo nên 2 khóa học nổi tiếng bậc nhất, chất lượng sánh kịp với thời kỳ mỹ thuật Đông Dương".
Cũng theo chuyên gia này, tinh thần hoạt động nghề nghiệp của nhà trường mỹ thuật thời kỳ hòa bình lập lại sau này vẫn duy trì truyền thống, đó là: quan hệ thầy trò gần gũi thân thiết, đào tạo hướng dẫn trực tiếp theo mô hình xưởng họa. Thầy trò thường xuyên đi vẽ ký họa, trực họa các địa phương, cùng trải nghiệm cuộc sống thực tế và vẽ tranh trực tiếp tại địa bàn, quan hệ gắn kết với nhân dân địa phương. Bối cảnh hòa bình thuận lợi cho hoạt động vẽ ký họa thực tế và sáng tác trực tiếp của thầy trò trường Mỹ thuật trải rộng ở miền Bắc.
Mặt khác, chủ trương của nhà trường thời kỳ này là thông qua hoạt động nghề nghiệp sát với người lao động và chiến sĩ, điều chỉnh giáo án cho phù hợp. Học viên tốt nghiệp khóa này sẽ đủ điều kiện cống hiến, làm việc cho các đơn vị, nhà máy, đáp ứng nhu cầu bức thiết của những ngày đầu mới hòa bình lập lại. Cũng từ nền tảng đó, các học viên có thể học nâng cao khi nhà trường mở các lớp tăng cường chuyên môn.
Với lòng say nghề và nhiệt huyết yêu nước, nhiều học sinh của trường vừa qua đào tạo đã đi vào trong các chiến trường miền Nam, dạy vẽ, ký họa, sáng tác và gửi tranh ra miền Bắc.
Đáng chú ý, thành tựu nghệ thuật thầy trò trường Mỹ thuật giai đoạn chuyển tiếp này rất đáng kể, vừa học vừa sáng tác, tham gia tích cực vào các hoạt động nghệ thuật sau ngày hòa bình, mà quy mô lớn nhất có thể kể đến Triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1955. Những hoạt động nghệ thuật sôi nổi sau hòa bình càng thêm đa dạng với những triển lãm tranh liên tục với nhiều chất liệu. Các nghệ sĩ thường xuyên đàm luận, bình tranh, trao đổi nghệ thuật thẳng thắn với những bài viết phân tích phê bình trên báo Văn nghệ trong nửa cuối thập niên 50.
Và, từ những dấu ấn để lại, TS Lê Xuân Dũng khẳng định: Các học viên khóa Tô Ngọc Vân cùng với khóa Kháng chiến chung tay đóng góp rất lớn vào công cuộc xây dựng nền mỹ thuật sau hòa bình. Trong buổi ban đầu đó, họ là bộ phận nòng cốt xây dựng Vụ Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật, trường Mỹ thuật Công nghiệp, cống hiến cho Điện ảnh cách mạng Việt Nam, cũng như góp sức trong các lĩnh vực văn hóa khác, lan tỏa kết nối giá trị nghệ thuật cho đến tận hôm nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất