08/05/2025 06:25 GMT+7 | Văn hoá
Một sự kiện quan trọng vừa diễn ra vào sáng qua 7/5 - ngày cả nước kỉ niệm 71 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử: Lễ thượng cờ và khánh thành cột cờ A Pa Chải tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Công trình không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc mà còn là biểu tượng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
1. Cột cờ A Pa Chải được xây dựng với tổng mức đầu tư 31 tỉ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa, do Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư. Công trình nằm trên đỉnh núi cao 1.459m so với mực nước biển, thuộc dãy Khoang La San, cách mốc 0 (nơi ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc) gần 1.400 mét.
Cột cờ có tổng chiều cao hơn 45 m, được tạo khối dựa trên hình bát giác thể hiện sự cân đối vững chãi và uy nghiêm. Kích thước lá cờ 7,5x5 m; diện tích 37,5 m2 gắn với ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mồng 7/5. Về thiết kế, công trình có phần trụ bê tông cao gần 30 mét, phần cột cờ cao 15,7 mét.
Lá cờ Tổ quốc tung bay trên Cột cờ A Pa Chải. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN
Riêng phần chân cột cờ được tạo điểm nhấn bằng 5 phù điêu đặc trưng văn hóa Tây Bắc và các họa tiết dân tộc, bao gồm các chủ đề: Sự tích quả bầu mẹ (truyền thuyết của người Khơ Mú); vòng xòe đoàn kết; văn hóa tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc; dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian; lao động sản xuất và nghề truyền thống. Đường lên cột cờ gồm 519 bậc cấp (tượng trưng cho 19 dân tộc của tỉnh Điện Biên), bám theo địa hình tự nhiên của sườn đồi.
Cột cờ A Pa Chải được khởi công xây dựng vào cuối năm 2023, và khánh thành đúng dịp 7/5 - cột mốc đầy ý nghĩa của lịch sử dân tộc. Tròn 71 năm trước, tại mảnh đất Điện Biên, một thế hệ người Việt Nam đã làm nên chiến thắng vang dội năm châu, góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Để rồi, từ chiến trường năm xưa đến cột cờ A Pa Chải hôm nay - nơi lá cờ được kéo lên trong hòa bình - đó là chặng đường dài của dân tộc: Từ giữ nước bằng xương máu đến gìn giữ chủ quyền bằng phát triển bền vững.
2. Có thể thấy, việc tổ chức khánh thành cột cờ A Pa Chải và làm lễ thượng cờ vào đúng ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên không chỉ là cách ghi nhớ lịch sử bằng hành động. Đó còn là cách khơi dậy niềm tự hào dân tộc - không chỉ bằng sách vở, mà bằng trải nghiệm sống động - khi mỗi công dân, mỗi thế hệ đều hiểu thêm về ý nghĩa và sự thiêng liêng của địa bàn nơi cực Tây của Tổ quốc.
Chiến sĩ thực hiện nghi thức chào cờ tại Cột cờ A Pa Chải. Ảnh: Xuân Tư – TTXVN
Thực tế, từ vài chục năm qua, mốc 0 tại A Pa Chải vẫn luôn là một điểm đến có sức hút lớn với khách du lịch. Hành trình tới đây trong những năm trước không dễ dàng: để tới được mốc 0 - "nơi con gà gáy ba nước cùng nghe", du khách phải vượt qua rừng, leo núi, đi bộ hàng giờ. Dù vậy, chính những khó khăn ấy lại khiến chuyến đi càng trở nên đặc biệt và lôi cuốn những người yêu thích khám phá và mong muốn một lần đặt chân lên nơi địa đầu thiêng liêng của Tổ quốc.
Còn hiện tại, bên cạnh cột cờ A Pa Chải vừa khánh thành, tuyến đường dẫn vào khu vực này đã được nâng cấp, giúp du khách có thể tới A Pa Chải một cách thuận lợi. Và rộng hơn, với sự cải thiện về hạ tầng, vùng đất cực Tây đang dần trở thành không chỉ điểm đến cho những chuyến du lịch cá nhân mà còn có thể phát triển thành một không gian du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quy mô và bài bản.
Như thế, việc khánh thành cột cờ A Pa Chải cũng đánh dấu bước khởi đầu cho một tầm nhìn hiện đại: Phát triển và gìn giữ khu vực biên giới không chỉ bằng các thiết chế quốc phòng mà còn bằng giao lưu, du lịch và trải nghiệm. Bởi, sự hiện diện của người dân và du khách tại biên giới - cộng cùng việc tăng cường nhận diện văn hóa bản địa và nâng cao đời sống đồng bào địa phương - cũng là một cách rất thiết thực để bảo vệ chủ quyền.
Do vậy, cột cờ A Pa Chải không chỉ là một hạng mục xây dựng. Nó là một biểu tượng đa tầng: biểu tượng của chủ quyền, văn hóa, du lịch - và trên hết, là biểu tượng cho khát vọng vươn lên không ngừng của đất nước. Từ chiến hào Điện Biên năm xưa đến cột cờ A Pa Chải hôm nay, đó là một hành trình liền mạch của lòng yêu nước và ý chí phát triển.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất