Không giới hạn số tàu du lịch: Quảng Ninh mở cơ chế, doanh nghiệp lo quá tải
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa kiến nghị điều chỉnh cơ chế phát triển tàu du lịch trên vịnh Hạ Long theo hướng không hạn chế số lượng tàu mới, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, đề xuất này cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ phát triển ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh và áp lực lên vùng lõi di sản. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình rõ ràng, gắn với tiêu chí phân hạng và kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 1608/UBND-XDMT, ngày 23/5/2025 về việc báo cáo kết quả thực hiện Thông báo số 1449-TB/TU ngày 25/7/2019 của Tỉnh ủy về công tác quản lý hoạt động tàu du lịch và nâng cao chất lượng tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.
Theo đó, thời gian qua công tác quản lý hoạt động của tàu du lịch trên vịnh Hạ Long được chấn chỉnh, đi vào nền nếp, chất lượng dịch vụ, điều kiện an ninh, an toàn được nâng lên. Các chủ tàu, thuyền viên đã nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ di sản.

Tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Văn Đức - TTXVN
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, về giải pháp giảm số lượng tàu du lịch, cơ chế thay thế tàu vỏ gỗ nhằm đảm bảo an toàn và giảm tác động đến di sản bằng các văn bản hành chính tạo ra tình trạng độc quyền cho nhóm chủ tàu hiện hữu; chưa khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm.
Theo phương án cũ, với tàu tham quan, 1 tàu vỏ gỗ được thay thế bằng 1 tàu đóng mới bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương. Với tàu lưu trú, 1 tàu vỏ gỗ được thay thế bằng 1 tàu đóng mới bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương, không tăng số giường; khuyến khích thay thế từ 2 tàu trọng tải nhỏ bằng tàu có trọng tải lớn hơn nhưng không quá 30% tổng số giường các tàu được thay thế; chưa có hướng dẫn thay thế gộp nhiều tàu tham quan, lưu trú.
Các quy định cũ này chưa khuyến khích các chủ tàu vỏ gỗ tích cực thay gộp để tăng chất lượng, an toàn và giảm số lượng tàu tham quan (tỷ lệ thay thế còn thấp đạt 33%). Do việc hạn chế nêu trên, một số tàu tại Quảng Ninh đã sang khu vực Hải Phòng để đóng mới các tàu du lịch. Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh đề xuất xem xét không ban hành các văn bản hạn chế số lượng tàu du lịch hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ thực hiện biện pháp điều tiết số tàu du lịch hoạt động trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long phù hợp với sức tải tại các điểm du lịch, không cần ban hành kế hoạch phát triển tàu du lịch.

Hai tàu du lịch biển 5 sao quốc tế là Seabourn Encore và Silver Whisper mang quốc tịch Bahamas cùng cập Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Thùy Dương - TTXVN
Phương án này sẽ đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, tăng cạnh tranh bình đẳng, minh bạch theo cơ chế thị trường, phù hợp với chủ trương, định hướng phát triển nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; huy động tốt các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có năng lực tốt đầu tư tàu hiện đại, chất lượng cao, đa dạng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư.
Tuy nhiên, việc đề xuất cho phép phát triển thêm các tàu du lịch mới cũng có nhiều bất cập như: Chủ tàu mới có thể sẽ mất thêm chi phí khi ký hợp đồng neo đậu với chủ cảng, bến do cạnh tranh về neo đậu; chủ tàu sẽ giữ lại tàu cũ để hoạt động và đóng thêm tàu mới nếu có điều kiện; công tác quản lý, điều tiết hoạt động theo sức tải du lịch tại các điểm đến sẽ khó khăn hơn; tăng áp lực trong vùng lõi di sản khi tàu du lịch có quy mô lớn hoạt động và tàu du lịch tại vịnh Bái Tử Long, vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) có nhu cầu sang hoạt động tại vịnh Hạ Long; ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động kinh doanh của các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch trên bờ; có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh không lành mạnh, lãng phí nguồn lực đầu tư; hạn chế việc phát triển nhanh tàu du lịch tại các khu vực ngoài vùng lõi của di sản (như khu vực ven bờ và vịnh Bái Tử Long).

Sau khi cập bến, du khách tham gia các tour trải nghiệm khám phá vịnh Hạ Long, tham quan thành phố, đến một số di tích văn hóa, lịch sử và các địa phương lân cận. Ảnh: Thùy Dương- TTXVN
Ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội phó thường trực, Chi hội Tàu du lịch Hạ Long cho rằng: "Việc phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị là rất kịp thời. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và mong muốn cùng nhau phát triển, tuy nhiên trong lĩnh vực phát triển thêm tàu du lịch mới trên vịnh Hạ Long cần phải xem xét và có lộ trình cụ thể, tránh sự phát triển ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh và giảm chất lượng phục vụ, ảnh hưởng đến môi trường du lịch Hạ Long".
Theo ông Phượng, hiện Chi hội tàu du lịch Hạ Long có hơn 500 tàu du lịch; trong đó hoạt động thường xuyên là khoảng 400 tàu, hơn 100 tàu đang sửa chữa, đóng mới thay thế. Tuy vậy công suất hoạt động lúc cao điểm của các tàu chỉ khoảng 70%, vào mùa đông thì thấp hơn chỉ 40%. Việc mở rộng phát triển các tàu du lịch sang vùng vịnh Bái Tử Long là nhằm mở rộng không gian du lịch. Bên cạnh đó cần mở rộng các bến bãi, các khu du lịch, bãi tắm mới để giảm tải khách du lịch cho khu vực hiện tại.
Phó Trưởng ban dự án, Công ty TNHH Vận tải Việt Thuận Trịnh Đức Thuận, cho biết: "Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn sau dịch và bão, hiện đang vực dậy đầu tư để phát triển thêm tàu chất lượng. Nếu không kiểm soát số lượng tàu sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, quá tải dịch vụ và khó kiểm soát. Do đó cần có lộ trình, kế hoạch và ưu tiên xây dựng bộ tiêu chí phân hạng tàu du lịch, gắn với quyền ưu tiên hoạt động, điểm neo đậu, khung giờ tham quan.

Tàu Costa Serena (Italy) ghé tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: TTXVN
Ông Vũ Đình Lịch, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch quốc tế Minh Hằng cho hay: "Các chủ tàu đã đồng hành và chuyển đổi từ tàu gỗ cũ sang tàu vỏ thép, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, môi trường. Việc cho phép phát triển thêm tàu trên vịnh Hạ Long cần xem xét kỹ lưỡng, tránh ồ ạt và có sự tham vấn ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia và tổ chức đối thoại với doanh nghiệp".
Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh Đoàn Văn Dũng chia sẻ: "Chúng tôi cũng chia sẻ với các chủ tàu du lịch hiện tại, họ đa phần đều phải vay ngân hàng để đóng tàu. Việc phát triển thêm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long cần cân đối, hài hòa với bảo vệ thiên nhiên, môi trường vịnh Hạ Long, đảm bảo phát triển bền vững. Những tàu nào cần đóng mới, thay thế thì phải thay thế. Tập trung nâng cao chất lượng tàu du lịch, cung cách phục vụ của nhân viên mới là điều cốt lõi".