01/07/2025 15:04 GMT+7 | Thể thao
Ngày 1/7/2025 - cột mốc lịch sử khi ba tỉnh, thành gồm TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu chính thức sáp nhập – ngành thể dục thể thao của đô thị mới đã có một khởi đầu mang tính chiến lược: tổ chức Hội thảo – Khóa học nâng cao về "Ứng dụng Sinh lý vận động và Trí tuệ nhân tạo (AI) trong huấn luyện thể dục thể thao".
Sự kiện được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao TP.HCM (Quận 11), quy tụ gần 200 huấn luyện viên, vận động viên, cán bộ quản lý và chuyên gia thể thao từ ba địa phương. Đây không đơn thuần là một lớp bồi dưỡng chuyên môn, mà là diễn đàn quan trọng định hình phương pháp huấn luyện mới – khoa học, hiện đại và số hóa.
Từ chuyển đổi hành chính đến chuyển đổi tư duy huấn luyện
Việc lựa chọn tổ chức hội thảo vào đúng ngày đầu tiên của tiến trình sáp nhập là một quyết định mang nhiều tầng ý nghĩa. Nếu về mặt hành chính, TP.HCM đang chuyển mình trở thành một siêu đô thị quốc gia, thì về mặt thể thao, sự chuyển mình ấy được bắt đầu bằng chính tư duy huấn luyện – từ kinh nghiệm cảm tính sang khoa học số hóa.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nam Nhân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Trưởng ban tổ chức hội thảo – khẳng định: "Thể thao TP.HCM không thể phát triển nếu đội ngũ cán bộ, HLV không chủ động tiếp cận các công cụ huấn luyện tiên tiến. Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và sinh lý vận động là những công cụ quan trọng trong nâng cao thành tích, phòng tránh chấn thương và cá nhân hóa quá trình huấn luyện.
Khoa học huấn luyện hiện đại: Từ sinh lý vận động đến AI và dữ liệu lớn
Nội dung hội thảo tập trung vào hai trục chính:
- Ứng dụng khoa học Sinh lý vận động (Exercise Physiology): giúp HLV hiểu rõ cơ chế sinh học, thể trạng và đáp ứng vận động của từng VĐV, từ đó xây dựng giáo án tập luyện phù hợp với từng giai đoạn và từng cá nhân.
- Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn: thông qua hệ thống công nghệ số, huấn luyện viên có thể theo dõi các chỉ số tập luyện, phân tích kỹ – chiến thuật, phòng ngừa rủi ro và tối ưu hóa hiệu suất thi đấu.
Đáng chú ý, nội dung hội thảo không giới hạn trong phạm vi các môn võ thuật, mà hướng đến toàn bộ hệ thống thể thao thành phố, từ các môn cá nhân đến tập thể, từ phong trào đến thành tích cao.
Trí lực Master – bước tiến của công nghệ huấn luyện "Make in Vietnam"
Điểm nhấn đột phá trong ngày đầu tiên là phần giới thiệu và trình diễn hệ thống Trí lực Master – thiết bị AI đa năng hỗ trợ huấn luyện thể thao chuyên sâu. Hệ thống có khả năng đo lường sức mạnh, tốc độ, phản xạ, sức bền và các chỉ số vận động chuyên biệt, đặc biệt hiệu quả trong các bộ môn đối kháng như Vovinam, Boxing, Muay, Karate, Taekwondo…
Kỹ sư Nguyễn Lê Anh – Chủ tịch HĐQT Công ty VTech, đơn vị phát triển Trí lực Master – trực tiếp trình bày các tính năng ưu việt của hệ thống. Ông chia sẻ: "Trí lực Master là sản phẩm thuần Việt, được phát triển trong suốt 5 năm bởi đội ngũ huấn luyện viên, chuyên gia công nghệ và nhà khoa học trong nước. Đây không chỉ là thiết bị, mà là công cụ quản trị huấn luyện dựa trên dữ liệu – một xu thế tất yếu."
Hiện TP.HCM đang thí điểm triển khai hệ thống này tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT thành phố, bước đầu ghi nhận hiệu quả rõ rệt và được giới chuyên môn, lãnh đạo ngành, HLV đánh giá cao.
Cam kết xây dựng hệ sinh thái thể thao khoa học – thông minh – hiện đại
Tham dự hội thảo còn có ông Nguyễn Đăng Khánh – Trưởng phòng Quản lý TDTT, bà Trần Mai Thúy Hồng – Phó phòng, cùng các chuyên gia đầu ngành như PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Viện trưởng Viện Phát triển KHCN TDTT, TS. Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới, và các chuyên gia quốc tế đến từ Singapore.
S. Lý Đại Nghĩa, Giám đốc Trung tâm, chia sẻ: "Từ năm 2025, toàn bộ HLV và cán bộ trực tiếp huấn luyện các bộ môn thể thao tại TP.HCM sẽ bắt buộc tham gia các khóa cập nhật năng lực, kỹ năng ứng dụng công nghệ hằng năm. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc trong chiến lược xây dựng đội ngũ huấn luyện chuyên nghiệp, hiện đại, có khả năng hội nhập quốc tế."
Từ hội thảo đến hành động: bước khởi đầu của một tương lai
Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong hai ngày tiếp theo (2–3/7/2025) với các chuyên đề chuyên sâu: phục hồi chức năng thể thao, truyền thông số ứng dụng AI, quản trị vận hành CLB thể thao trên nền tảng dữ liệu… Đó là những nội dung chưa từng có trong các lớp bồi dưỡng truyền thống trước đây.
Khởi đầu bằng một hội thảo khoa học thể thao công nghệ cao, TP.HCM đã phát đi tín hiệu rõ ràng: thể thao sẽ là một trong những trụ cột tiên phong đưa đô thị mở rộng này bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên của dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, và sáng tạo không ngừng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất