HLV Kim Sang Sik và hoàn cảnh nhạy cảm

18/07/2025 05:52 GMT+7 | Bóng đá Việt

Sau hơn 1 năm và 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với bóng đá Việt Nam, HLV Kim Sang Sik mới trực tiếp cầm quân tại đội U23. Có thể nói kể từ sau HLV Henrique Calisto, ông Kim là HLV nước ngoài duy nhất không tiếp cận với tuyến trẻ của đội tuyển quốc gia ngay từ đầu. Đó từng là thuận lợi nhưng bây giờ, lại đang đặt ông Kim vào hoàn cảnh nhạy cảm.

1. Hãy ngược về quá khứ. HLV Philippe Trousier "khởi động" với bóng đá Việt Nam bằng giải quốc tế U23 Doha, còn HLV Park Hang Seo là giải M150 Cup tại Thái Lan, cũng với U23. Nhà cầm quân người Nhật Bản Toshiya Miura có giải đấu lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình tại ở Asiad 2014 cùng đội tuyển Olympic Việt Nam, còn HLV người Đức Falko Goetz là ở SEA Games 2011.

Khởi đầu với U23 thì có gì khác biệt? Có, thậm chí nhiều là đằng khác. Tuyến U23 có ý nghĩa rất quan trọng với bóng đá Việt Nam vì chúng ta coi trọng SEA Games và phần nào đó, có xu hướng đề cao những thành tích ở lứa tuổi trẻ. Đó là lý do mà kể cả đã là tuyển thủ quốc gia, miễn còn trong độ tuổi, cầu thủ cũng sẽ trở ngược lại thi đấu cho các đội tuyển U.

Cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam sẽ có hợp đồng kiêm nhiệm luôn U23 và áp lực thành tích thì như nhau. Thế nên, nếu khởi đầu nhiệm kỳ bằng việc dẫn dắt đội trẻ thì bản thân HLV cũng như chính Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng sẽ đánh giá khả năng thành công của bản hợp đồng dễ hơn. Ở đâu không biết, chứ tại bóng đá Việt Nam, việc chiến thắng tại một giải U23 có thể giúp HLV tại vị dù ông ta có thất bại ở cấp độ đội tuyển. Ngược lại, nhiều chuyên gia ngoại đã từng phải mất ghế chỉ vì thất bại ở U23.

2. Ông Kim Sang Sik là một trường hợp tương đối đặc biệt. Thời điểm mà ông ký hợp đồng với bóng đá Việt Nam, gần như ít ai nói về U23. Thậm chí đã có xu hướng giao đội U23 cho HLV Hoàng Anh Tuấn và để ông Kim toàn tâm cho đội tuyển quốc gia.

Đấy cũng là lý do mà VFF chấp nhận bản lý lịch cầm quân không hề có bóng dáng bóng đá trẻ của HLV Kim Sang Sik. Thậm chí ông còn chưa từng có kinh nghiệm ở cấp độ các đội tuyển quốc gia. Nói cách khác, việc chọn ông Kim khi đó giống như một giải pháp cấp bách nhằm xử lý những vấn đề quá lớn ở đội tuyển, bao gồm vòng loại World Cup và ASEAN Cup.

Công bằng mà nói, lúc ấy thì từ VFF cho đến người hâm mộ cũng không quan tâm đến U23 khi mà SEA Games 33 còn ở quá xa. Chắc gì ông Kim Sang Sik đã ở được hết 2 năm hợp đồng.

Câu chuyện thể thao: HLV Kim Sang Sik và hoàn cảnh nhạy cảm - Ảnh 1.

HLV Kim Sang Sik đang ở hoàn cảnh rất nhạy cảm vì chưa từng huấn luyện đội tuyển trẻ nhưng lại đứng trước áp lực phải thành công với đội tuyển trẻ. Ảnh: Minh Hoàng

Như đã biết, ông Kim đã làm tốt phần việc đầu tiên với chức vô địch ASEAN Cup 2024. Nhưng cũng chính chiến tích ấy đã là lý do để bóng đá Việt Nam lẫn HLV Kim Sang Sik rơi vào hoàn cảnh nhạy cảm như bây giờ.

Sẽ không có vấn đề gì lớn nếu tiến trình thi đấu ở vòng loại Asian Cup 2027 không bị gãy đổ từ trận thua 0-4 trước Malaysia. Tất nhiên là ông Kim Sang Sik vẫn còn đến 3 trận đấu ở "chiến trường" này, nhưng sau thất bại ấy, khả năng đi tiếp của đội tuyển quốc gia trở nên mờ mịt. Sự tập trung bắt buộc phải dồn vào U23, nơi mà ông Kim chưa có một dấu ấn nào suốt nửa hợp đồng đã qua.

Cũng lẽ tự nhiên, những hồ nghi về năng lực và nhất là kinh nghiệm của HLV Kim Sang Sik cũng trở lại. Đó cũng là điều bình thường đối với một người chưa từng có kinh nghiệm làm bóng đá trẻ. Khả năng ông Kim thất bại cũng lớn ngang với việc ông sẽ thành công. Tốt thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu kết quả không như ý, mọi chuyện sẽ đi về đâu?

Hãy thử hình dung, nếu bây giờ mà tìm một HLV phù hợp với đội U23 thì liệu ông Kim Sang Sik có phải là người được chọn với bản lý lịch cầm quân của mình? Và liệu chúng ta có mạo hiểm không, khi giao đội tuyển trẻ cho một người chỉ chuyên làm việc ở CLB hàng đầu và buộc ông ấy phải có thành tích tốt ở 3 giải đấu trẻ liên tiếp sắp đến là U23 Đông Nam Á, vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33? Câu trả lời có lẽ là không. Nhưng bằng cách nào đó, HLV Kim Sang Sik đang ở trong tình cảnh ấy.

3. Thật ra vấn đề không phải là của HLV Kim Sang Sik mà là của bóng đá Việt Nam.

Trong các triều đại HLV trước đây, người duy nhất được trao một bản hợp đồng dài hạn cho một mục đích phát triển các cầu thủ trẻ rất rõ ràng đó là ông Troussier. Đó là lý do mà công thần của bóng đá Nhật Bản rất mạnh tay trong việc trẻ hóa đội tuyển, theo cách mà ông từng thành công với đội bóng mang biệt danh Samurai xanh. Nhưng công cuộc làm mới đội tuyển, trọng dụng cầu thủ trẻ của ông Troussier đã thất bại chỉ vì một lý do đơn giản: bóng đá Việt Nam không thể đợi được lâu hơn khi mà thành tích thì cứ liên tục giảm sút.

Những nền bóng đá như Thái Lan, Indonesia hay thậm chí là Malaysia đã thay đổi tư duy về bóng đá trẻ rất nhiều. Kể cả khi ký hợp đồng với HLV trưởng theo kiểu 2 trong 1 như Việt Nam, thì gần như các HLV không chịu trách nhiệm quá nhiều cho thành tích của U23. Nếu có điều kiện, họ sẽ tách riêng công việc của 2 đội tuyển giao cho 2 HLV khác nhau, như cách làm chung của thế giới. Riêng với Việt Nam, từ trước đến nay mô hình 2 trong 1 chưa từng thay đổi.

Khi mà con đường nâng cấp đội tuyển quốc gia thông qua việc nhập tịch cầu thủ không thể bằng được các đối thủ, bóng đá Việt Nam gần như chỉ còn một chọn lựa, đó là tập trung vào việc phát triển bóng đá trẻ. Tuy nhiên, cách làm của chúng ta từ trước đến nay lại không có nhiều thay đổi trong việc xây dựng tuyến kế thừa.

Trong câu chuyện này lại không thể tính tới trường hợp của HLV Park Hang Seo. Thời điểm khởi đầu của ông là giai đoạn vàng của bóng đá trẻ Việt Nam với 2 lứa cầu thủ liên tiếp được "sinh" ra từ nỗ lực phát triển đào tạo trẻ của những CLB hàng đầu V-League cả chục năm trước đó. Thành công ở Thường Châu 2018 cho phép ông Park Hang Seo đưa cả dàn cầu thủ U23 lên đội tuyển mà không gặp trở ngại gì. Nói cách khác, ông Park Hang Seo không tạo ra thế hệ đó, mà ông là người giúp họ thăng hoa tột đỉnh.

Ở chiều ngược lại chính là 2 người kế nhiệm: HLV Troussier và HLV Kim Sang Sik. Điểm xuất phát khác nhau, nhưng cả 2 đều đang giải quyết cùng một vấn đề: tìm kiếm cho bóng đá Việt Nam một lứa cầu thủ mới vì mục tiêu lớn: World Cup. HLV Troussier là người có đẳng cấp, có kinh nghiệm, từng làm công tác đào tạo trẻ, thế mà cũng không thể giữ ghế được lâu. Câu hỏi đặt ra là một người gần như "tay ngang" với bóng đá trẻ như ông Kim thì sẽ thế nào?

Hoàn cảnh hiện tại không cho phép bóng đá Việt Nam làm gì khác ngoài hy vọng HLV Kim Sang Sik sẽ thành công như cách ông xoay sở ở đội tuyển quốc gia. Như đã nói, ông Kim làm tốt thì… quá tốt, nhưng nếu ông không thành công thì cũng đừng vội phê phán hay thất vọng. Trong tay ông Kim đang có những cầu thủ U23 tốt nhất, giàu kinh nghiệm nhất, nên nếu không vô địch Đông Nam Á, không giành vé dự VCK châu Á hay vào chung kết SEA Games, thì điều nên làm và cần làm vẫn cứ là cải tổ công tác bóng đá trẻ.

Trong số các ứng viên vô địch giải U23 Đông Nam Á 2025, chỉ có U23 Việt Nam là được dẫn dắt bởi HLV đang nắm quyền ở ĐTQG. U23 Thái Lan do HLV Thawachai Dumrongongtrakun nắm quyền, người chưa từng có tên tuổi trong làng bóng đá trẻ Đông Nam Á. U23 Indonesia giao cho HLV Gerald Vanenburg, chuyên gia đào tạo trẻ người Hà Lan, cũng là trợ lý của Patrick Kluivert ở đội tuyển Indonesia. U23 Malaysia được dẫn dắt bởi ông Mohd Nafuzi Zain, người dành 12 năm đầu sự nghiệp huấn luyện cho các đội trẻ.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm