Đàm phán Nga - Ukraine "tích cực hơn dự kiến"

17/05/2025 12:37 GMT+7 | Tin tức 24h

Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 16/5, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban các vấn đề quốc tế của Duma Quốc gia (Quốc hội) LB Nga, ông Alexei Chepa cho rằng thỏa thuận đạt được với Ukraine tại các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cùng ngày về việc trao đổi tù nhân theo công thức "1.000 đổi 1.000" là một thời điểm quan trọng.

Ông Chepa cho rằng điều quan trọng nhất giai đoạn này là cuộc họp diễn ra dù vấp phải sự phản đối của phía Ukraine và một điểm rất đáng chú ý khác là hai bên nhất trí mỗi bên trao đổi 1.000 tù binh. Theo ông Chepa, giai đoạn đàm phán tiếp theo có thể diễn ra trong thời gian sắp tới.

Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra khoảng 2 giờ sau hơn 3 năm gián đoạn. Tiếp sau đó là cuộc họp ba bên giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Ukraine và cuộc tiếp xúc giữa người đứng đầu phái đoàn Nga Vladimir Medinsky và phía Mỹ.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ: Đàm phán Nga - Ukraine "tích cực hơn dự kiến" - Ảnh 1.

Trợ lý Tổng thống Nga, ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán, trong cuộc họp báo tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 15/3/2025. Ảnh: AA/TTXVN

Sau các cuộc đàm phán với Ukraine, ông Medinsky thông báo phía Nga hài lòng với kết quả đạt được và sẵn sàng tiếp tục liên lạc. Theo ông, các bên đã nhất trí trao đổi tù binh theo công thức "1.000 đổi 1.000". Ông Medinsky cũng cho biết phía Ukraine đã yêu cầu đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia và Nga đã tiếp nhận để xem xét yêu cầu này. Ông lưu ý Moskva và Kiev sẽ trình bày tầm nhìn về khả năng ngừng bắn trong tương lai và mỗi bên sẽ "viết chi tiết về điều này". Người đứng đầu phái đoàn Nga tuyên bố sau sự kiện này, Nga và Ukraine có ý định tiếp tục quá trình đàm phán.

Cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực về cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine. Hãng tin CNN dẫn lời một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhận định cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Istanbul diễn ra tích cực hơn so với dự đoán, đồng thời tiết lộ một số vấn đề được thảo luận tại cuộc thương lượng. Theo đó, trong khuôn khổ thảo luận về lệnh ngừng bắn, Nga đã đưa ra yêu cầu Ukraine rút khỏi một số vùng lãnh thổ mà Kiev vẫn đang kiểm soát. Quan chức trên cũng đánh giá phái đoàn Nga dường như ít cần tới sự tham vấn hơn so với phía Ukraine, đồng thời cho biết: "Hai bên đến bàn đàm phán để thảo luận về hai vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, việc họ đến Istanbul có thể được xem là nhu cầu tìm lối thoát của cả hai bên".

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Stephanie Tremblay cho biết LHQ hoan nghênh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, đồng thời cho rằng sự kiện này là bước đi quan trọng để hướng tới một nền hòa bình bền vững tại Ukraine.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ: Đàm phán Nga - Ukraine "tích cực hơn dự kiến" - Ảnh 2.

Quang cảnh cuộc đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu trước báo giới, bà Tremblay nêu rõ LHQ hoan nghênh cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine trong 3 năm, trong đó thảo luận về lệnh ngừng bắn tiềm năng và trao đổi tù nhân quy mô lớn. Bên cạnh đó, LHQ cũng đánh giá cao vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ trong việc tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng tiến trình này sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn hoàn toàn, lập tức và vô điều kiện tại Ukraine. Bà Tremblay cho rằng đây sẽ là "bước đi quan trọng hướng tới việc tạo điều kiện cho một nền hòa bình công bằng, toàn diện và bền vững tại Ukraine theo Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế và các nghị quyết có liên quan của LHQ", đồng thời khẳng định LHQ sẽ hỗ trợ mọi nỗ lực có ý nghĩa để đạt được mục tiêu này.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho biết cuộc thảo luận về việc trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine tại cuộc đàm phán ở Istanbul đem lại hy vọng hai bên sẽ khởi đầu tiến trình đối thoại và đạt được những kết quả mới.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cũng trong ngày 16/5, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani kêu gọi "bảo đảm an ninh mạnh mẽ" tại Ukraine và hoan nghênh Thổ Nhĩ Kỳ vì đã tổ chức các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine tại nước này. Ngoại trưởng Tajani nhấn mạnh: "Tương lai của Ukraine trước hết sẽ phụ thuộc vào một nền hòa bình công bằng và các bảo đảm an ninh mạnh mẽ, nhưng cũng phụ thuộc vào công tác tái thiết để giải quyết sự tàn phá do xung đột gây ra". Ngoại trưởng Tajani cũng đề cập đến "Hội nghị Tái thiết Ukraine", dự kiến diễn ra vào ngày 10-11/7 tới tại Rome, và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự kiện này trong việc chứng minh vai trò của Italy đối với hoạt động hỗ trợ Ukraine và người dân nước này.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ: Đàm phán Nga - Ukraine "tích cực hơn dự kiến" - Ảnh 3.

Phái đoàn Nga tại cuộc đàm phán. Ảnh: Reuters

Cùng ngày, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng các nước châu Âu phải chuẩn bị cho lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, vì lệnh ngừng bắn tạm thời không đảm bảo hòa bình bền vững. Theo ông, các nước châu Âu nên suy nghĩ về tương lai và lên kế hoạch thực hiện các bước tiếp theo để đạt được hòa bình.

Cũng liên quan xung đột Nga-Ukraine, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa khẳng định ông có thể sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin bởi hành động này là cần thiết để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Phát biểu trong khuôn khổ chuyến công du Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Tổng thống Trump chia sẻ: "Tôi có mối quan hệ rất tốt với ông Putin, tôi tin tưởng chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận, chúng tôi cần gặp nhau và tôi cho rằng hai bên có thể sẽ sắp xếp lịch gặp". Bên cạnh đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh ý định không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, song sẵn sàng gây sức ép với người đồng cấp Putin nếu Moskva không đi đến thỏa thuận với Kiev.

Quang Vinh – Dương Hoa/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm