Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu

16/07/2025 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Tọa lạc tại trung tâm thành phố Hiroshima, Công viên tưởng niệm hòa bình được thành lập để tưởng nhớ các nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử và cầu nguyện cho hòa bình thế giới vĩnh cửu.

Trải dài về phía nam từ Vòm bom nguyên tử (Genbaku Dome) và tọa lạc chủ yếu trên một dải đất hẹp giữa hai con sông, Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima tựa như một hòn đảo xanh tươi giữa lòng thành phố. Với diện tích hơn 120.000 mét vuông, nơi đây tưởng niệm vô số sinh mạng đã mất trong vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới, đồng thời tận dụng thiên nhiên để tái khẳng định sự quý giá của mọi sự sống.

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 1.

Vòm bom nguyên tử, chứng tích nổi tiếng tại Hiroshima như một bằng chứng lịch sử về thiệt hại do vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong công viên rộng lớn này, khách tham quan sẽ nhìn thấy những công trình kiến trúc gắn liền với thảm kịch ngày 6/8/1945. Đó là Vòm bom nguyên tử; Bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima, nơi trưng bày hiện trạng của Hiroshima vào thời điểm xảy ra vụ ném bom nguyên tử, Đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử, Nhà tưởng niệm hòa bình quốc gia Hiroshima dành cho Nạn nhân bom nguyên tử và Đài tưởng niệm Hòa bình Thiếu nhi. 

Đài Tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử

Giữa Bảo tàng và Vòm bom nguyên tử là Đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử. Đó là một ngôi mộ hình vòm được xây dựng vào năm 1952 dành cho những người đã chết vì bom, có thể do vụ nổ ban đầu hoặc do phơi nhiễm phóng xạ. Bên dưới vòm là một chiếc rương đá lưu giữ danh sách những người đã chết vì bom, với hơn 220.000 cái tên.

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 2.

Đài tưởng niệm Hòa bình Thiếu nhi trong quần thể các công trình tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử tại Hiroshima. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Trong khuôn viên công viên tưởng niệm, tiếng chuông hòa bình ngân lên với lời cầu nguyện hòa bình đã được Bộ Môi trường Nhật Bản chọn là một trong 100 cảnh quan âm thanh của Nhật Bản cần được bảo tồn.

Đài tưởng niệm Hòa bình Thiếu nhi, được xây dựng bằng tiền quyên góp từ khắp Nhật Bản để tưởng nhớ sự ra đi của Sadako Sasaki, một cô bé 12 tuổi đã gấp hạc giấy origami trong khi chiến đấu với bệnh bạch cầu.

Sau khi Sadako Sasaki qua đời vào năm 1955, các bạn cùng lớp đã phát động lời kêu gọi toàn quốc "xây dựng một tượng đài để tưởng nhớ tất cả những đứa trẻ đã chết vì bom nguyên tử". Với sự hỗ trợ của học sinh tại hơn 3.100 trường học trên khắp Nhật Bản và chín quốc gia khác, bức tượng đồng cao chín mét này đã được xây dựng vào năm 1958. 

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 3.

Bên trong Vòm bom nguyên tử vẫn còn các mảnh vỡ từng là một phần của tòa nhà. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Trên đỉnh bệ ba chân là hình ảnh một bé gái đang giơ cao một con sếu "gấp" màu vàng. Hai bên đối diện của bệ là hình ảnh hai bé trai và một bé gái lơ lửng, tượng trưng cho một tương lai tươi sáng và hy vọng. Trên phiến đá bên dưới bệ có khắc dòng chữ: "Đây là tiếng kêu của chúng ta. Đây là lời cầu nguyện của chúng ta. Cho việc xây dựng hòa bình trên thế giới này". 

Xung quanh tượng đài là hàng triệu con hạc giấy đủ màu sắc được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới. Hạc giấy, hay còn gọi là "orizuru" trong tiếng Nhật, đã trở thành biểu tượng hòa bình phổ quát nhờ câu chuyện về Sadako Sasaki. Tại Đài tưởng niệm Hòa bình Thiếu nhi, hạc giấy đóng vai trò trung tâm. Hàng năm, khoảng 10 triệu con hạc được du khách từ khắp nơi trên thế giới đặt xung quanh đài tưởng niệm. 

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 4.

Hàng năm, khoảng 10 triệu con hạc được du khách từ khắp nơi trên thế giới đặt xung quanh Đài tưởng niệm hòa bình thiếu nhi. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Vòm bom nguyên tử - Mối liên hệ hữu hình với quá khứ đau thương

Một trong những địa điểm nổi tiếng của thành phố Hiroshima được gọi là Vòm bom nguyên tử. Nơi đây vốn là một tòa nhà có kiến trúc mái vòm và bị phá hủy gần như hoàn toàn trong thảm kịch bom nguyên tử năm 1945. Sau thảm kịch người dân nơi đây đã bảo tồn những gì còn sót lại của tòa nhà, biến nơi đây trở thành một trong những chứng tích về sức hủy diệt của bom nguyên tử. 

Vòm bom nguyên tử, còn được gọi là Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, là những gì còn sót lại của Tòa nhà xúc tiến công nghiệp tỉnh trước đây. Tòa nhà này từng là địa điểm quảng bá các ngành công nghiệp của Hiroshima.

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 5.

Đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử có một chiếc rương đá lưu giữ danh sách những người đã chết trong thảm kịch ngày 6/8/1945. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Vào ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử đã phát nổ gần đó, cách tòa nhà khoảng 160m về phía đông nam. Tòa nhà bị hư hại nặng nề và bị thiêu rụi. Toàn bộ người bên trong tòa nhà thiệt mạng. Thiệt hại từ vụ đánh bom vẫn còn nhìn thấy được cho đến ngày nay. Nơi đây vẫn còn các mảnh vỡ từng là một phần của tòa nhà. Ở bên trong Vòm bom nguyên tử có thể nhìn thấy cốt thép bị vụ nổ làm lộ ra. Sự đổ nát của Vòm bom nguyên tử đem đến cho khách tham quan cảm nhận nỗi kinh hoàng của vụ đánh bom nguyên tử và giá trị của hòa bình.

Đây là công trình duy nhất còn sót lại gần tâm chấn của quả bom nguyên tử đầu tiên, trở thành biểu tượng mạnh mẽ và rõ nét về sức mạnh hủy diệt khủng khiếp nhất mà loài người từng tạo ra. Vòm bom nguyên tử đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào tháng 12/1996, như một bằng chứng lịch sử về thiệt hại do vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên. Vòm bom nguyên tử là một mối liên hệ hữu hình với quá khứ đau thương của Hiroshima, đồng thời là biểu tượng của mong muốn hòa bình vĩnh cửu và xóa bỏ vũ khí hạt nhân.

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima - Nguyện ước hòa bình thế giới vĩnh cửu

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của thành phố. Ngay cả những du khách không tìm kiếm nơi này cũng có thể tình cờ bắt gặp công viên rộng lớn. Cây cối, bãi cỏ và lối đi bộ trong công viên hoàn toàn trái ngược với khu vực trung tâm thành phố xung quanh. 

Công viên tưởng niệm hòa bình – Mong ước hòa bình thế giới vĩnh cửu - Ảnh 6.

Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của thành phố với khuôn viên rộng lớn đầy cây xanh. Ảnh: Nguyễn Tuyến – PV TTXVN tại Nhật Bản

Trước vụ ném bom, Công viên tưởng niệm hòa bình là trung tâm chính trị và thương mại của thành phố. Vì lý do này, nơi đây đã trở thành mục tiêu ném bom. Năm 1949, thành phố đang phục hồi đã quyết định khu vực này nên trở thành nơi tưởng niệm hòa bình, thay vì chỉ đơn thuần là được tái thiết.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm vụ đánh bom, một buổi lễ lớn được tổ chức tại công viên. Vòng hoa được đặt tại Đài tưởng niệm và một phút mặc niệm được dành vào lúc 8:15 sáng, đúng thời điểm quả bom được kích nổ.

Không gian xanh bình yên từng là nơi xảy ra thảm kịch đau thương giờ đây trở thành nơi cầu nguyện cho các nạn nhân bom nguyên tử cũng như cho hòa bình thế giới vĩnh cửu.

Nguyễn Tuyến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm