06/05/2025 05:56 GMT+7 | Thể thao
Trong một phiên làm việc gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo: "Hôm trước làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nói học hai buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác. Các đồng chí nói bây giờ phải cần thêm cả trăm nghìn giáo viên, cái này không được máy móc. Dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế thôi, mời VĐV. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Trong hòa bình, các cháu đều được phát triển".
Khi Tổng Bí thư Tô Lâm nói "dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, dạy vẽ thì mời họa sĩ, dạy thể dục thì mời VĐV", đó không chỉ là lời gợi mở, mà là một chỉ đạo đổi mới giáo dục mạnh mẽ. Từ lớp học khô cứng đang đối mặt với áp lực đổi mới, cánh cửa giáo dục đang dần mở ra để tiếp nhận nghệ thuật, sáng tạo, và sự đồng hành của toàn xã hội trên bục giảng.
Riêng với thể thao, đó còn là cả một cuộc hành trình, hay đúng hơn, là một chiến lược dở dang.
"Tiểu tiên cá" Nguyễn Thị Ánh Viên sau khi khép lại sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp một cách bất ngờ, thì việc đầu tiên cô làm đó là dạy bơi cho trẻ em. Đó là cuộc hành trình mới mà theo Ánh Viên, đã giúp cô có "cơ hội để tiếp tục cống hiến".
Trên thực tế, Ánh Viên hoàn toàn có thể kéo dài sự nghiệp bơi lội của mình dù không ở đỉnh cao, đồng nghĩa sẽ duy trì được các khoản thu nhập không nhỏ nhờ danh tiếng thông qua hoạt động thi đấu, nhưng cô đã chọn con đường truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Ham muốn lớn nhất của Ánh Viên đó là có đủ kinh phí để mở một trung tâm đào tạo tài năng. Trước mắt, Ánh Viên cố gắng "phổ cập" niềm đam mê bơi lội cho các em nhỏ thông qua trang cá nhân của mình.
Khi còn ở đỉnh cao sự nghiệp, ước mơ của tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Tiến Minh là mở một học học viện cầu lông mang tên mình. Từng xách vợt đi đánh khắp thế giới, Tiến Minh nhận thấy điểm yếu lớn nhất của cầu lông Việt Nam đó là môi trường phát triển sự nghiệp cho các VĐV trẻ.
Cầu lông khá phổ biến tại Việt Nam, nhưng đó là ở hình thức phong trào, chơi vì sức khỏe chứ không phải là một định hướng nghề nghiệp cho các em nhỏ với những điều kiện giúp các em theo đuổi đam mê lâu dài.
Những tuyển thủ quốc gia như Duy Mạnh, Tuấn Hải hay Hai Long luôn được chào đón khi xuất hiện tại các trường học để truyền cảm hứng cho những em nhỏ. Ảnh: Minh Dân
Lấy một góc nhìn khác ở môn bóng bàn. Kỷ lục gia Mai Hoàng Mỹ Trang, năm nay đã 37 tuổi nhưng mới cuối năm trước còn vô địch đơn nữ giải Các tay vợt xuất sắc quốc gia 2024, giải đấu vốn dành cho những VĐV hàng đầu của bóng bàn Việt Nam. Chính Mai Hoàng Mỹ Trang thừa nhận lối đánh của cô đã khá lạc hậu so với bóng bàn thế giới, nhưng cho đến bây giờ, gần như vẫn chưa có nhân tố nào vượt qua được cô dù trong 17 năm qua, Mỹ Trang đã vô địch quốc gia đến 14 lần. Và Mỹ Trang cũng từng có tham vọng sẽ lập một trung tâm đào tạo tài năng cho bóng bàn…
Có rất nhiều môn thể thao từng được xem là dễ phổ cập cho trẻ em, khá thuận lợi trong việc phát triển ở trường học, lại không thiếu các ngôi sao tài năng để truyền cảm hứng, nhưng lại "đau đáu" câu chuyện kế thừa.
Như câu chuyện của Ánh Viên, Tiến Linh, Mai Hoàng Mỹ Trang… có thể thấy ước mơ lớn nhất của những ngôi sao đó chính là tìm được người thay thế họ. Hạnh phúc lớn nhất của một VĐV chuyên nghiệp là được theo đuổi đam mê của mình một cách lâu dài, được nhìn thấy sự lớn mạnh của môn chơi mà mình yêu thích.
Nhưng cũng có một thực tế khác, các VĐV tài năng của chúng ta, bao gồm các nhà vô địch SEA Games hay có huy chương châu Á, hiện đang vất vả để kiếm sống ngoài số tiền thu nhập cố định theo quy định mà theo họ mô tả là "không đủ lo cho bản thân".
Công việc chính để kiếm thêm thu nhập là đi dạy. Các khóa học ở những trung tâm thể thao thường không đáng kể do trẻ em thường chỉ học vào dịp Hè. Nhờ mạng xã hội, họ tranh thủ mở các khóa dạy online, nhưng môi trường này gây khó cho cả thầy và trò vì chủ yếu chỉ truyền đạt được lý thuyết, kinh nghiệm. Về cơ bản, việc "dạy" ấy cũng không tạo ra các giá trị đích thực cho thể thao.
"Có thể mời các VĐV đỉnh cao có thể đến trường để dạy…", gợi ý của Tổng bí thư Tô Lâm không chỉ là một chỉ đạo đổi mới giáo dục mạnh mẽ, mà còn lưu ý đến một mảng vô cùng quan trọng: Thể thao học đường.
Thuận lợi của thể thao so với các môn học xã hội khác, đó là giáo dục thể chất vốn đã có sẵn trong chương trình học. Những cử nhân của các trường Đại học, Cao đẳng thể thao chính là người đứng lớp, các "thầy giáo thể thao" và giáo trình học cũng chỉ phổ thông, rất khó để phát triển đam mê hoặc phát hiện tài năng.
Trong khi đó, mô hình CLB thể thao trong các trường học thì lại ít tồn tại, hoặc khá mờ nhạt. Có khá nhiều nguyên nhân, vì cơ sở vật chất của trường học không có, vì phong trào thể thao của học sinh không có tính hệ thống dù có cả Đại hội thể thao dành riêng (Hội khỏe Phù Đổng) hoặc cũng vì việc chơi thể thao giỏi không có lợi ích thiết thực (ví dụ như học bổng, điểm ưu đãi …) trong môi trường học tập vốn đã chiếm phần lớn thời gian của học sinh…
Nhưng dù là lý do nào đi nữa, thì quá trình liên thông giữa ngành giáo dục và ngành thể thao đang có điểm nghẽn. Nhà trường thiếu giáo viên thể thao, học sinh không có môn trường để trở thành một VĐV chuyên nghiệp còn VĐV đỉnh cao, kể cả các ngôi sao, thì lại đang tự bơi trong việc truyền cảm hứng và tìm thêm thu nhập để theo đuổi đam mê.
Đa số các VĐV đỉnh cao sau khi giải nghệ đều sẵn sàng chọn con đường làm HLV. Sẽ rất thú vị khi họ bắt đầu làm quen với vai trò đó ngay từ lúc còn thi đấu, ở tư cách là những "Mentor" – người hướng dẫn – người truyền cảm hứng – tại các CLB thể thao học đường…
Có lẽ không cần phải nói thêm về sức mạnh và "vùng tài nguyên" to lớn của thể thao học đường chuyên nghiệp. Vấn đề đặt ra ở đây đó là làm sao để đất nước có những học sinh – VĐV ưu tú và có những ngôi sao thể thao – thầy giáo.
Làm sao để ngành giáo dục có thể giải được bài toán về việc trang bị kỹ năng xã hội, nghệ thuật, thể chất… cho học sinh. Làm sao để thể thao Việt Nam có những thế hệ VĐV được rèn luyện cả văn hóa và năng khiếu thể thao của mình một cách có hệ thống từ bậc tiểu học cho đến khi quyết định chọn sự nghiệp để theo đuổi cho tương lai và quan trọng hơn, đừng để lãng phí niềm vui được cống hiến cho thể thao của những tài năng mà câu chuyện phấn đấu của họ có thể làm thay đổi giấc mơ của các em nhỏ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất