Quảng Nam FC có nguy cơ giải thể nếu thành phố Đà Nẵng không "tìm giúp" nguồn tài trợ. Đội Trường Tươi Bình Phước thì có thể "bỗng dưng lên V-League" để thay suất của Quảng Nam. Bóng đá Việt Nam đang đứng trước một sự xáo trộn lớn trong bối cảnh mà hệ thống bóng đá cấp CLB vẫn đang "cố cho giống chuyên nghiệp".

1. Đầu tiên hãy thử hình dung kịch bản Quảng Nam FC "ra đi" và Trường Tươi Bình Phước lên thay, khi đó giải hạng Nhất chỉ còn 13 đội. Tuy nhiên, trong số này có đến 4 đội bóng đến từ TP.HCM sau sáp nhập và rất nhiều khả năng 2 đội Gia Định và ĐH Văn Hiến sẽ rút lui. Hạng Nhất lúc đó chỉ còn 11 đội như mùa trước.

Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Bình Định sau khi xuống hạng chưa chắc là giữ đội bóng sau khi địa phương này sáp nhập với Gia Lai, vốn đã có đội đá tại V-League và cũng đang rất khó khăn trong việc duy trì CLB. Ngặt nỗi, dù số lượng có thể sụt giảm đồng loạt nhiều như vậy, giải hạng Nhất lại không thể đôn các đội hạng Nhì lên thay thế vì bản chất 2 giải đấu này lại rất khác biệt. Đó là chưa kể, nhiều đội hạng Nhì cũng có khả năng bị xóa tên do sáp nhập địa phương, như Tây Ninh hay Lâm Đồng, Bình Thuận…

Chuyện oái oăm của bóng đá Việt - Ảnh 1.

Câu chuyện của đội bóng Quảng Nam đã phơi bày rất nhiều vấn đề oái oăm mà bóng đá Việt Nam ở cấp độ CLB đang phải đối mặt. Ảnh: Hoàng Linh

Điều đáng nói là những biến động này không liên quan đến việc sáp nhập địa phương. Trên thực tế thì khi có sự thay đổi địa giới hành chính, những bất ổn của bóng đá Việt Nam lại còn hiện ra rõ nét hơn. Lấy trường hợp của Quảng Nam, động thái của CLB gần giống "được giải thoát" khi "đá quả bóng" cho đơn vị quản lý mới. Điều kiện họ đặt ra, là tìm được nhà tài trợ mới để duy trì, cho thấy bấy lâu nay họ phải "gồng" lên giữ đội bóng cũng vì thể diện địa phương.

Nhìn những xáo trộn lớn của bóng đá Việt Nam, mới thấy 1 điều: Người ta giữ một đội chuyên nghiệp, hay có từ hạng Nhất lên V-League, cơ bản chỉ nằm ở chỗ có tiền hay không. Điều này có nghĩa, cả một hệ thống thi đấu bóng đá gần như không đem lại nhiều giá trị. Anh đá tốt, quyết tâm cao, đam mê nhiều mà không có nguồn tài chính hỗ trợ thì xét về bản chất, mãi mãi chỉ là một đội bóng bán chuyên bởi đơn giản, có lên hạng chuyên nghiệp thì cũng chẳng biết làm sao để thi đấu.

Nhìn rộng ra hơn, trong hệ thống thi đấu của "kim tự tháp bóng đá" dường như chỉ có cuộc chiến trụ hạng ở V-League là thực sự có ý nghĩa. Không đội bóng nào muốn xuống hạng. Trong khi đó, với giải hạng Nhất và hạng Nhì, có khi lại chẳng đội nào muốn thăng hạng.

Chuyện oái oăm của bóng đá Việt - Ảnh 2.

Quảng Nam (trái) đang là chủ nhà của giải tập huấn Thiên Long Tournament tại sân Tam Kỳ nhưng bỏ cuộc sau một lượt trận

Oái oăm là ở chỗ đó, bởi cái cần thiết để bóng đá phát triển chính là ở "quyết tâm lên hạng" chứ không phải "cố trụ hạng". Càng có nhiều đội quyết tâm thăng hạng thì mới kích thích đầu tư, mới tạo ra số đông ở hạng cao nhất, mới có cạnh tranh.

2. Mặc dù số địa phương trên cả nước chỉ còn 34 tỉnh-thành nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ mang đến viễn cảnh nơi nào cũng có đội bóng chuyên nghiệp như kỳ vọng. Ngược lại, rất nhiều khả năng, số lượng đội bóng tham dự 3 giải đấu chính quy của Việt Nam (V-League, hạng Nhất và hạng Nhì) sẽ sụt giảm đáng kể.

Cũng dễ hiểu, vì trước khi sáp nhập, một tỉnh chỉ có đội đang đá hạng Nhì mà sau đó, lại sáp nhập với địa phương khác cũng chỉ đang đá hạng Nhì thì về lý thuyết, phải rút lại còn 1 đội để tập trung đầu tư. Ngay đến V-League (trường hợp Quảng Nam FC) mà còn như vậy, huống hồ…

V-League thì có thể có 2-3 đội cùng một địa phương do về cơ bản các đội đều hoạt động độc lập, chứ các đội ở hạng Nhất, chuyện này khó xảy ra. Nguyên nhân thì như đã nói, bản chất của vấn đề là nguồn tài chính. Không có nó, thì lấy đâu ra cầu thủ mà đá. Còn muốn đào tạo tại chỗ, thì số tiền thậm chí còn phải nhiều hơn.

Chuyện oái oăm của bóng đá Việt - Ảnh 3.

Đội hình CLB Quảng Nam dự V-League 2024/25 giờ đã "tan đàn, xẻ nghé".Ảnh: VPF

Nếu bản chất là tiền, thì cách giải quyết dễ nhất đó là tìm cách giảm chi phí đầu tư cho các đội bóng V-League. Đại loại như hiện nay cần hơn 50 tỷ đồng/năm mới đủ sức thì cố gắng giảm xuống còn 20-30 tỷ đồng. Lương cầu thủ giảm, chi phí tổ chức giảm, không thuê ngoại binh chẳng hạn. Thế nhưng, làm như thế thì đâu còn là bóng đá chuyên nghiệp. Oái oăm là ở chỗ đó. Ngân sách cho một suất đá V-League càng lớn thì sẽ càng có ít đội bóng ở hạng Nhất muốn lên hạng. Mà giảm, thì đi ngược quy luật.

Đây là một phép thử cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Chúng ta nói nhiều về những thuận lợi sau khi các địa phương sáp nhập, ví dụ như ngân sách đầu tư cho bóng đá sẽ tăng lên, nhu cầu của địa phương cũng tăng do quy mô dân số thay đổi. Tuy nhiên, vì đây là bóng đá chuyên nghiệp, các CLB là những thực thể độc lập, nên kỳ vọng từ hỗ trợ của địa phương sẽ không có nhiều ý nghĩa. Nói cho cùng, kể cả khi có ngân sách địa phương, thì các CLB vẫn không thể hoạt động nếu thiếu doanh nghiệp hậu thuẫn tài chính.

3. Quay trở lại sự oái oăm của bóng đá Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn đang vận hành tốt suốt hơn 2 thập niên qua. Có sao đâu? Không đội này thì đội khác. Điều đó không sai. Tuy nhiên, cần nhớ rằng từ năm 2002 đến nay, số đội V-League tăng từ 12 lên 14 nhưng riêng giải hạng Nhất thì gần như không tăng. Rất chật vật để vươn đến con số 14 chỉ để ngang bằng với V-League.

Câu hỏi đặt ra là tại sao giải hạng Nhất có ngân sách hoạt động ít hơn nhưng lại không thể phát triển số đội? Câu trả lời đơn giản: Đầu tư vào giải hạng Nhất làm gì nếu không đủ tiền để chơi V-League. Khi số đội hạng Nhất không thể tăng, thì đương nhiên tham vọng lên 16 đội của V-League sẽ không biết bao giờ mới thành hiện thực.

Như mùa giải hiện tại. Ở hạng Nhất có 2 đội được đầu tư mạnh để thăng hạng là Phù Đổng Ninh Bình và Trường Tươi Bình Phước, nhưng ở V-League thì Bình Định xuống hạng, Quảng Nam đang "xin từ bỏ". Như vậy là số tiền đến cũng bằng với số tiền rời đi dành cho bóng đá chuyên nghiệp. Nói theo ngôn ngữ thị trường, tổng giá trị vốn hóa của V-League không thay đổi. Khi nguồn đầu tư cứ "ổn định" suốt bấy nhiêu năm, thì sẽ rất khó nói đến việc phát triển các tuyến, đào tạo trẻ ở cấp CLB.

Chỉ đáng tiếc là cho đến nay, khái niệm về "doanh thu bóng đá" vẫn chưa thể phổ biến tại Việt Nam. Chúng ta có tiền bản quyền truyền hình, đó là một bước tiến lịch sử, nhưng doanh thu về bán vé giảm đi trong khi các nguồn thu về bản quyền hình ảnh, hoạt động tiếp thị - thương mại, hầu như không cải thiện.

Quảng Nam FC lả đội bóng có truyền thống, từng vô địch chỉ mới 8 năm trước, nhưng họ gần như không thể tích lũy được gì suốt quá trình thi đấu chuyên nghiệp. Họ cũng chắc chắn không biết cách nào tạo ra nguồn thu cho mình trong tương lai, nên vừa có cơ hội để không phải "gồng" thêm, họ đã nghĩ đến chuyện nghỉ luôn cho khỏe.

Cái đề xuất nhờ TP. Đà Nẵng tìm nguồn tài trợ để duy trì chỉ là một cách tế nhị để nói về sự bế tắc trong việc kinh doanh bóng đá.

Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã thống nhất phương án bổ sung một đội bóng từ Giải hạng Nhất lên thi đấu tại V-League 2025/26, trong trường hợp CLB Quảng Nam rút lui khỏi giải.

Thay vì chọn CLB Quy Nhơn Bình Định (đội xếp cuối V-League 2024/25 và đã xuống hạng), VFF quyết định sẽ chọn một đội từ Giải hạng Nhất 2024/25.

Ngay sau văn bản được ban hành tối 24/7, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ làm việc với các đội bóng để xác định rõ liệu CLB Quảng Nam có rút lui hay không. Nếu điều này xảy ra, VPF sẽ làm việc với hai đội Trường Tươi Bình Phước và PVF-CAND nhằm lựa chọn đội đủ điều kiện thay thế tham dự V-League 2025/26.

Từ phía CLB Quảng Nam, họ cho biết đang nỗ lực huy động nhiều nguồn lực để duy trì hoạt động đội bóng trước mùa giải mới.

Long Khang
Lâm Chi