Chuyên đề 'Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olymic': Thể thao nữ và chuyện ở tầm chiến lược

03/07/2025 05:50 GMT+7 | Thể thao

Hôm 30/6, Cục TDTT Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Thể thao và phụ nữ trong kỷ nguyên vươn mình, hướng đến phát triển bền vững" trong khuôn khổ Dự án bình đẳng giới ASEAN + Nhật Bản. Tọa đàm chia sẻ nhiều góc nhìn thực tiễn, khẳng định vai trò của phụ nữ trong thể thao, đồng thời mở ra đối thoại chính sách, nhằm xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự tham gia toàn diện của nữ giới vào sự nghiệp thể dục thể thao trong nước và khu vực.

Có lẽ không cần phải nói thêm vai trò của các nữ VĐV trong lịch sử thể thao Việt Nam (TTVN). Họ có mặt ở các thời khắc lịch sử, từ chiếc huy chương đầu tiên tại SEA Games, đến Olympic. Bất kỳ môn thể thao nào mà các VĐV nam thành công, thì luôn có các nữ VĐV làm được và thậm chí còn tốt hơn, từ môn chơi cá nhân đến tập thể. Riêng với các thành tích ở đẳng cấp thế giới, nữ VĐV là những người chiếm đa số trong các gương mặt làm rạng danh TTVN.

Nhưng có một thực tế, vừa vui vừa buồn, đó là số lượng các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến thể thao nữ rất nhiều. Từ góc độ thể thao, cho đến sự quan tâm của xã hội thông qua Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Điều này cho thấy các nữ VĐV của chúng ta rất được quan tâm, thế nhưng cũng vì có quá nhiều hội thảo như vậy mới thấy là mọi thứ vẫn còn bế tắc. Hiểu đơn giản, vì khó giải quyết nên mới phải bàn thảo nhiều để tìm giải pháp khả thi.

Cũng chính vì thế, giải pháp của mọi giải pháp, đó là phải đặt nữ VĐV làm trung tâm, có chiến lược dành riêng cho thể thao nữ. Phải ở tầm chiến lược, thì các giải pháp mới có sự đồng bộ với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Hơn nữa, chúng ta có đủ lý do để làm điều đó.

Tại Việt Nam, thể thao nữ có nhiều điều kiện để phát triển do, khi gần như không có trở ngại nào về khía cạnh xã hội ngăn cản những cô gái đến với thể thao đỉnh cao. Thực tế, 100% môn thi đấu tại Việt Nam đều có nội dung dành cho nữ. Tính cạnh tranh trong thể thao nữ cũng không cao như nam khi có rất nhiều quốc gia không thể phát triển nội dung dành cho nữ vì yếu tố tôn giáo, xã hội. Thể thao nữ chính là thế mạnh của chúng ta.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olymic": Thể thao nữ và chuyện ở tầm chiến lược  - Ảnh 1.

Các nữ VĐV đã nhiều lần làm rạng dang thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thể thao nữ ở Việt Nam đang phát triển. Nói cách khác, thể thao nữ không thể có một lộ trình "thuận tự nhiên" như nam. Vận động một cô gái chuyên tâm cống hiến cho thể thao khó hơn rất nhiều lần so với nam. Bài toán "hậu thi đấu" của nữ cũng khó giải hơn nam khi mà các cơ hội nghề nghiệp ít hơn hẳn.

Tại sao phải đặt ở tầm chiến lược, thì thể thao nữ mới có hướng ra? Lấy ví dụ như bóng đá. Đội tuyển nữ của chúng ta vô địch Đông Nam Á từ năm 2001, đã dự World Cup và có thể sẽ thường xuyên góp mặt. Ấy thế mà giải vô địch quốc gia không cách nào nâng lên được 10 đội suốt gần 30 năm tồn tại. Để có các tuyến U, chính VFF phải tự mình mở lớp tuyển sinh trực tiếp chứ không đợi được từ cơ sở.

Nhưng khi đặt ở tầm chiến lược, đi kèm với đó là những cơ chế phù hợp với sự tham gia của nhiều bên, thì hoàn toàn có thể "buộc" các địa phương dành ngân sách cho bóng đá nữ, hoặc các CLB chuyên nghiệp của nam ngoài việc có các đội U thì cũng phải có trách nhiệm với bóng đá nữ. Thậm chí, việc "phải" có thêm đội nữ sẽ mang đến cho các CLB chuyên nghiệp những quyền lợi, ưu đãi nào đó…

Tất nhiên, bóng đá nữ hay thể thao nữ ở đâu cũng gặp khó khăn, nhưng những tổ chức quản lý bóng đá thế giới, châu lục hoặc ở nhiều quốc gia tiên tiến hiện đang dành nhiều ưu ái từ tài chính đến truyền thông cho các nữ VĐV.

Khoảng cách về thu nhập, về vấn đề "hậu thi đấu" hiện vẫn còn khoảng cách xa giữa nữ và nam, nhưng ít nhất là việc phát triển thể thao nữ đã trở thành trọng tâm, thành chiến lược, có tầm nhìn dài hạn hơn…

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm