14/07/2025 16:52 GMT+7 | Văn hoá
Xuất bản số được đánh giá là “mỏ vàng” toàn cầu, mở ra dư địa tăng trưởng lớn cho các doanh nghiệp nội dung.
Trong bối cảnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ngành xuất bản Việt Nam cũng buộc phải thay đổi để thích nghi và phát triển trên không gian số. Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp xuất bản của Việt Nam đang phải đổi mặt với tình trạng xâm phạm bản quyền trên môi trường mạng.
Với sự phát triển của công nghệ, tính chất đa phương tiện, các vi phạm về bản quyền số ngày một đa dạng và khó kiểm soát.
Vi phạm bản quyền tràn lan
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản không phải là câu chuyện mới. Khi các ứng dụng công nghệ số còn hạn chế, tác giả và nhiều nhà xuất bản thường xuyên gặp phải tình trạng sách giấy bị in giả và bán lậu. Công nghệ phát triển, sách giả được lan truyền nhanh chóng trên môi trường mạng, audiobook (sách nói) và ebook (sách điện tử) cũng dễ dàng bị sao chép.
Là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT chia sẻ câu chuyện buồn về cuốn sách "Thư cho em". Được tái bản 9 lần, đến nay cuốn sách bán được 45.000 bản. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai tháng gần đây, nhà xuất bản thông báo không tái bản vì…bán ế. Khi tra cứu trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội, ông Hoàng Nam Tiến đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đó là sách giả, sách lậu được bán công khai, tràn lan, lên tới hàng chục nghìn bản. “Khi thử tự đặt mua, sách giả đến tay tôi được in chỉn chu như sách thật. Tôi thử đặt mua lần nữa… vẫn là sách giả. Xót xa vô cùng vì cuốn sách viết về gia đình mình, là danh dự và công sức của bản thân”, ông Hoàng Nam Tiến giãi bày.
Bìa cuốn "Thư cho em" của tác giả Hoàng Nam Tiến. Ảnh: NXB Nhã Nam
Từ góc độ của nhà xuất bản, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha Books cho biết, tác giả đau một thì những người làm xuất bản đau mười khi sách thật của Alpha Books được chụp, đưa lên mạng để quảng bá nhưng sách bán là giả. Đã có hai bạn trẻ từ Bắc Giang đến văn phòng Alpha Books để nhận quà trúng thưởng từ một chương trình khuyến mại trên mạng. Đó là chương trình do những người làm sách giả tổ chức bằng việc lấy hình ảnh thật, tạo ra hệ sinh thái lừa đảo từ sách, trang website cho tới các chương trình tặng quà.
Vi phạm bản quyền sách giấy khó hơn vì cần nhiều kinh phí để in. Trong khi đó các sản phẩm nội dung số dễ lan tỏa khiến vi phạm bản quyền số trở thành vấn nạn vô cùng nan giải. Ông Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Fonos cho biết, các đối tượng làm giả có thể dễ dàng làm website bán sách lậu, thậm chí dùng trí tuệ nhân tạo nhanh chóng xây dựng chiến lược quảng bá bài bản để phát tán sản phẩm trái phép.
Theo thống kê của Alpha Books và Omega Plus, hàng trăm đầu sách ebook của hai nhà xuất bản này bị vi phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải trên các trang mạng. Hầu hết những sản phẩm này không có bản quyền, chỉ là một file dạng hình ảnh, thiếu các tiện ích và thông tin, nếu có sai sót cũng không ai kiểm tra hay chịu trách nhiệm.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Nhân dân
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định có ba vi phạm bản quyền sách phổ biến trên môi trường mạng. Đó là bán các sản phẩm sách in giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội; sử dụng website, ứng dụng cung cấp nội dung trực tuyến được cấp phép hoặc các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp các sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Bản quyền - nền tảng của xuất bản số
Trước những thay đổi nhanh chóng của ngành xuất bản toàn cầu dưới tác động của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, xuất bản số là cơ hội lịch sử để thúc đẩy văn hóa đọc mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối tri thức toàn cầu. Năm 2024 thị trường xuất bản đạt khoảng 151 tỷ USD, trong đó ebook và audiobook chiếm tới 30% thị phần.
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, Việt Nam hiện có hơn 50% nhà xuất bản tham gia lĩnh vực xuất bản điện tử với sự gia tăng đáng kể về số lượng sách điện tử, sách nói, đặc biệt là các loại sách tương tác đa phương tiện. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người dùng máy đọc sách, tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 15%/năm.
Những con số trên cho thấy dư địa phát triển rất lớn của lĩnh vực xuất bản số nhưng cùng là mảnh đất “màu mỡ” của các vi phạm bản quyền. Ông Hoàng Đình Chung - Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) đánh giá vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát, có thể coi là vấn nạn hàng giả, hàng lậu online và rất khó định giá thiệt hại, quy trình giải quyết cũng lâu hơn. Tác giả và các đơn vị xuất bản Việt Nam dù đã chủ động triển khai một số giải pháp nhưng tính đồng bộ chưa cao nên kết quả thu được rất hạn chế. Đa số các vụ việc chỉ có thể xử phạt hành chính nên chưa đủ sức răn đe khiến hành vi vi phạm tiếp diễn và không bị ngăn chặn triệt để.
Tọa đàm về cơ chế phối hợp và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nhấn mạnh bản quyền là bảo vệ sự phát triển, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng không bảo vệ được bản quyền thì mọi nỗ lực phát triển đều vô nghĩa. Hành lang pháp lý về bản quyền phải được nghiên cứu và xây dựng chi tiết. Để làm được điều đó cần sự đồng hành của toàn xã hội, trước hết là sự chủ động của chính chủ thể quyền.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 và Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường bảo vệ quyền của tác giả trong môi trường số. Tác giả, chủ sở hữu được toàn quyền quyết định việc cho phép hay không cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm của mình, ngoại trừ những trường hợp đã được pháp luật quy định là giới hạn hoặc ngoại lệ. Điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ; một số nội dung liên quan cũng được đề cập tại khoản 3 các Điều 29, 30, 31 của Luật chỉ rõ các trường hợp được phép sử dụng tác phẩm mà không cần xin phép hoặc trả tiền bản quyền (sử dụng để nghiên cứu, mục đích giáo dục phi lợi nhuận, trích dẫn hợp lý, hay thông tin báo chí). Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định rất rõ chủ thể có quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian phải tạm dừng ngay lập tức việc lưu hành sản phẩm vi phạm và cung cấp bằng chứng đầy đủ.
Với vai trò của cơ quan quản lý bản quyền, theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Việt Nam đã tham gia 8/9 điều ước đa phương về bản quyền. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới cũng đang tổ chức nhiều phiên thảo luận để tìm kiếm giải pháp hài hòa giữa quyền của tác giả và nhu cầu phát triển công nghệ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất