“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” – sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương của Đảng

27/07/2025 19:46 GMT+7 | Tin tức 24h

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định ngoài lợi ích của Tổ quốc, giai cấp, dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác, bao nhiêu lợi ích đều vì dân.

Bác Hồ kính yêu đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng lời dạy của Người vẫn còn vẹn nguyên giá trị, trở thành sợi chỉ đỏ dẫn đường cho toàn Đảng trong mọi chủ trương, quyết sách. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tinh thần "dĩ công vi thượng" ấy được thể hiện rõ nét qua từng chủ trương, quyết sách, hướng tới mục tiêu tối thượng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tinh gọn bộ máy – kiến tạo nền hành chính phụng sự nhân dân

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhất quán xác định xây dựng bộ máy Nhà nước vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ then chốt, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, phát huy tối đa nguồn lực đất nước, phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển bền vững. Quan điểm này được cụ thể hóa qua nhiều nghị quyết như Nghị quyết số 17-NQ/TW (2007) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 39-NQ/TW (2015) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” – sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương của Đảng - Ảnh 1.

Người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công xã Phú Long (tỉnh Ninh Bình). Ảnh Đại Nghĩa/TTXVN

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, đầu mối không cần thiết; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác giữa các cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, làm giảm tính thống nhất, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt, chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước - con số cao hơn nhiều so với mức 48–50% của các quốc gia có nền hành chính tiên tiến. Điều  này dẫn tới thực trạng không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển, tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, suy giảm sức cạnh tranh quốc gia, đe dọa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh, "tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước".

Sau một 1 tháng thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp (từ ngày 1/7/2025), bộ máy chính quyền cơ sở tại các tỉnh, thành phố bước đầu vận hành ổn định, thông suốt, bảo đảm phục vụ nhân dân. Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính hài lòng với những thay đổi từ mô hình chính quyền mới. Ông Tạ Ngọc Vinh, một người dân xã Nghĩa Giang, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: "Tôi đến xin làm  xác định tình trạng hôn nhân cho mẹ tôi. Tôi thấy cơ quan mới sáng sủa, nhân viên lịch thiệp, ân cần, chu đáo. Những thông tin đầu tiên đến khi tiến hành rất nhanh, gọn".

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” – sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương của Đảng - Ảnh 2.

Công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm phục vụ Hành chính công xã Tân Đông, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Giang Phương/TTXVN

Quyết sách nhân văn, thiết thực vì dân

Một "trái ngọt" đầu tiên của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đã ra đời, khi tại phiên họp ngày 28/2/2025, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về khả năng cân đối tài chính sau tinh giản tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Bộ Chính trị đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho trẻ em từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2025–2026.

Theo đó, tất cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập sẽ được miễn học phí, trong khi học sinh tại các cơ sở dân lập, tư thục cũng được hỗ trợ một phần. Đây không chỉ là một quyết sách về giáo dục, mà còn là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện nhất quán quan điểm "lấy dân làm gốc", đặt lợi ích nhân dân lên trên hết.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có khoảng 23,2 triệu học sinh, trong đó có 21,5 triệu học sinh học tại các cơ sở công lập và 1,7 triệu học sinh tại các cơ sở ngoài công lập, với số học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo lên tới hàng triệu em. Điều này cho thấy, gánh nặng chi phí giáo dục vẫn đang đè nặng lên vai hàng triệu gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và người lao động thu nhập thấp, dẫn đến nguy cơ trẻ em phải bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn. Chị Trần Thùy Dương, ở quận Hà Đông (Hà Nội), có 3 con, trong đó hai con học trung học cơ sở, trung học phổ thông và 1 con học mẫu giáo ở các trường công lập сhia sẻ: "Đây là một chính sách khiến người dân cảm thấy được quan tâm".

Chính sách hợp lòng dân này là một bước tiến quan trọng trong chiến lược giáo dục của Việt Nam, tiếp nối thành quả cách mạng giáo dục, đảm bảo công bằng cơ hội học tập, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Hơn nữa, chính sách hợp lòng dân này còn thể hiện khát vọng xây dựng xã hội học tập suốt đời, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", khẳng định tính ưu việt của chế độ ta - nơi mọi chính sách đều hướng tới lợi ích thiết thực và hạnh phúc của Nhân dân.

Phát biểu trong chuyến thăm và làm việc tại Nghệ An ngày 25/5 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ, những người sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng. Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá trong phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước." Lời khẳng định ấy nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của giáo dục và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách miễn, hỗ trợ học phí vì lợi ích thiết thực của nhân dân.

Đồng thời, Việt Nam đang phát động phong trào "Bình dân học vụ số", một cuộc cách mạng giáo dục mới, phổ cập tri thức và kỹ năng số cho toàn dân, từ trẻ em đến người cao tuổi, góp phần xóa mù công nghệ, để không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng 4.0. Giống như phong trào Bình dân học vụ năm 1945 góp phần đắc lực xóa nạn mù chữ, ngày nay, Bình dân học vụ số tiếp tục vì lợi ích của dân, trao cho mỗi người quyền làm chủ tri thức, làm chủ công nghệ, vươn lên tự lực, tự cường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cùng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát – không để ai bị bỏ lại phía sau

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là quyết sách chính trị mang tầm vóc lịch sử, thể hiện rõ bản chất cách mạng chân chính, vì dân của Đảng ta: Không chỉ chăm lo những vấn đề quốc kế dân sinh lớn lao mà còn quan tâm đến từng mái nhà, chốn ở của người dân, đặc biệt là người yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định phương châm nhất quán của Đảng: "Phải đặt nhân dân vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển". Từ đó, phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" được phát động, không chỉ để đảm bảo quyền có nơi ở an toàn – nhu cầu tối thiểu của con người mà còn là biểu hiện sinh động của tinh thần đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công, lan tỏa giá trị nhân văn, đại đoàn kết toàn dân tộc.

“Bao nhiêu lợi ích đều vì dân” – sợi chỉ đỏ xuyên suốt mọi chủ trương của Đảng - Ảnh 4.

Các nhà tài trợ trao tặng nguồn vốn là 60 tỷ đồng để xây dựng hơn 1.000 căn nhà tại tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN

Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tính đến hết ngày 19/7/2025, cả nước đã hỗ trợ xóa được 266.511 căn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 231.513 căn đã khánh thành, 34.998 căn đang khởi công và xây dựng. Chính phủ đặt mục tiêu đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc. Bà Lường Thị Nởi, hộ nghèo tại Thái Nguyên được hỗ trợ căn nhà mới theo Đề án xóa nhà tạm, bà chia sẻ: "Mấy hôm nay tôi không ngủ được bởi sau bao nhiêu năm ở trong nhà dột nát giờ chúng tôi cũng có căn nhà ấm áp nghĩa tình đồng bào".

Mỗi mái nhà kiên cố được dựng lên không chỉ xóa đi nỗi lo mưa nắng, mà còn thắp lên niềm tin, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của hàng vạn người kém may mắn, tạo động lực cho họ thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ổn định, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng xã hội phát triển, nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nhìn lại một số chủ trương và quyết sách lớn của Đảng thời gian qua, từ tinh giản tổ chức bộ máy, miễn học phí toàn dân, phát động "Bình dân học vụ số", xóa nhà tạm, nhà dột nát, có thể khẳng định: Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Mọi đường lối, quyết sách đều xuất phát từ mục tiêu cao nhất là phụng sự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chính điều đó tạo nên cội nguồn sức mạnh, hun đúc niềm tin và tình yêu son sắt mà nhân dân dành cho Đảng. Nhân dân tin tưởng Đảng ta tiếp tục dẫn dắt dân tộc vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

Dương Văn Trí/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm