03/07/2025 07:56 GMT+7 | Tin tức 24h
Các nhà khoa học vừa phát hiện một biến động bất ngờ và nghiêm trọng quanh Nam Cực: nước biển Nam Đại Dương đang trở nên mặn hơn, làm băng biển tan với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ.
Chỉ từ năm 2015 đến nay, diện tích băng biển mất đi tương đương toàn bộ đảo Greenland – mức sụt giảm lớn nhất từng ghi nhận trên Trái Đất trong thời gian gần đây.
Trước đây, bề mặt Nam Đại Dương có xu hướng nhạt dần, giúp băng biển hình thành và duy trì ổn định. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho thấy xu hướng này đã đảo ngược đột ngột: độ mặn tăng lên, khiến nhiệt từ các tầng nước sâu dễ dàng trồi lên và làm tan băng từ dưới đáy.
Tiến sĩ Alessandro Silvano, Đại học Southampton, cho biết: “Đây là một vòng luẩn quẩn nguy hiểm: băng ít đi sẽ phơi ra mặt nước mặn hơn, cho phép nhiệt thoát lên mặt biển và tiếp tục đẩy nhanh quá trình tan băng”.
Băng trôi tại Vịnh Chiriguano ở Nam Cực. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Một dấu hiệu rõ rệt của biến đổi này là sự xuất hiện trở lại của lỗ hổng khổng lồ Maud Rise polynya trên biển Weddell – một khoảng nước không đóng băng rộng gần gấp bốn lần xứ Wales. Hiện tượng này từng biến mất suốt 50 năm qua và nay tái xuất, cho thấy môi trường quanh Nam Cực đang bước vào trạng thái mới lạ thường.
Sự suy giảm băng biển Nam Cực cũng gây hậu quả toàn cầu: các khối băng biển vốn có vai trò phản xạ bức xạ Mặt Trời, khi tan đi sẽ làm đại dương hấp thụ thêm nhiệt, đẩy nhanh đà nóng lên toàn cầu. Đồng thời, môi trường sống của chim cánh cụt và nhiều loài động vật vùng cực bị thu hẹp đáng kể.
Ông Aditya Narayanan, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết nhiều mô hình khí hậu trước đây dự đoán băng biển Nam Cực sẽ tồn tại thêm hàng chục năm nhờ nước mặt nhạt dần và phân tầng nước ổn định hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy quá trình tan băng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, kéo theo nguy cơ các cơn bão mạnh hơn và mực nước biển dâng cao.
Giáo sư Alberto Naveira Garabato, Đại học Southampton, nhận định: “Những phát hiện mới này đặt ra câu hỏi lớn về mức độ chính xác của các mô hình dự báo khí hậu hiện nay. Chúng ta cần tăng cường giám sát bằng vệ tinh và thiết bị tại chỗ để hiểu rõ hơn nguyên nhân và tốc độ thay đổi.”
Các chuyên gia cảnh báo, nếu xu hướng mặn hóa và mất băng tiếp tục duy trì, Nam Đại Dương có thể bước vào một trạng thái hoàn toàn mới, tác động lâu dài đến hệ sinh thái toàn cầu và làm trầm trọng thêm khủng hoảng khí hậu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất