Bắn cung Việt Nam từ lượng đến chất

24/07/2025 08:04 GMT+7 | Thể thao

Giải vô địch bắn cung quốc gia 2025 vừa khai mạc hôm qua (23/7) tại Vĩnh Long với sự tham gia của 240 VĐV đến từ 12 đơn vị. Đây là con số ấn tượng đối với một môn thi đấu không có sự phổ biến cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều môn khác, bắn cung không dễ chuyển Lượng thành Chất.

Mặc dù có những thành tích đáng khích lệ, ví dụ như việc đoạt 3 HCV và đứng nhất toàn đoàn ở SEA Games 2019 hay 4 suất dự Olympic tại 2 kỳ Đại hội gần nhất, nhưng so sánh toàn diện thì bắn cung Việt Nam vẫn còn phát triển chậm hơn nhiều nước tại Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Chúng ta chỉ mới phát triển môn này trong chục năm trở lại đây, còn cả một chặng đường để khẳng định vị thế tại Đông Nam Á trước khi nghĩ đến những thành tích ở Asiad hay Olympic.

Nói như vậy để thấy số lượng VĐV dự giải vô địch năm nay rất ấn tượng. Đây là môn không dễ chơi, đầu tiên là do phong trào khó phát triển vì thiếu những đơn vị khai thác kinh doanh môn này, tiến độ xã hội hóa không thể nhanh, nếu không nói là chưa thấy có tín hiệu tích cực đáng kể nào.

Kế đến, bắn cung đòi hỏi việc đầu tư lớn cho thiết bị thi đấu, chủ yếu là nhập khẩu. VĐV có đam mê thì cũng phải đi kèm điều kiện tài chính cá nhân tốt mới theo đuổi được môn chơi này.

Hiện tại, bắn cung Việt Nam phát triển dựa trên chiến lược thuê chuyên gia Hàn Quốc và "nhập khẩu" giáo án huấn luyện từ nước ngoài. Hiểu một cách nôm na, là chúng ta tập trung vào phần ngọn để tìm kiếm thành tích. Vấn đề đặt ra là làm sao để bắn cung có thể phát triển bền vững và dài hạn?

Lý do là bởi theo nhận định của chuyên gia người Hàn Quốc đang huấn luyện đội tuyển quốc gia thì môn chơi này phù hợp với VĐV Việt Nam. Tức là cơ hội để chúng ta đạt thành tích ở cấp độ quốc tế là có triển vọng.

Bắn cung Việt Nam và chuyện từ lượng đến chất - Ảnh 1.

Chuyên gia Hàn Quốc Park Chae Soon (trái) trao đổi với cung thủ Lê Quốc Phong ở Olympic Paris 2024. Ảnh: Hoàng Linh

Nhưng cũng như nhiều môn chơi "phù hợp với tố chất" khác, con đường để bắn cung thâm nhập vào đời sống thể thao rất gian nan. Cứ lấy câu chuyện về cầu lông để so sánh, đó là môn có tính phổ biến cao nhưng vẫn chưa thể sản sinh ra những thế hệ VĐV đồng đều, đông đảo. Những cá nhân như Tiến Minh hay Thùy Linh là quá ít so với tiềm năng của cầu lông.

Vậy đâu là giải pháp cho những môn có tiềm năng nhưng chưa thể phát triển? Cũng theo chuyên gia người Hàn Quốc, cách tốt nhất là "phổ cập" các môn thể thao "khó nhằn" này trong môi trường học đường. Không phải quốc gia nào, kể cả những nước giàu, đều có nền thể thao chuyên nghiệp ở mọi môn chơi.

Việc xã hội hóa hay biến một môn thể thao trở thành "ngành kinh doanh" chưa bao giờ là điều dễ dàng. Thay vì chờ đợi "nhà nhà, người người" chơi môn thể thao đó, cách đơn giản hơn là lựa chọn giải pháp đưa vào trường học, nhất là với các môn mà trẻ em có thể tiếp cận dễ dàng và không quá phức tạp trong đầu tư.

Câu chuyện từ bắn cung chỉ là một lát cắt cho một khoảng trống rất lớn của thể thao Việt Nam trong việc chuyển Lượng thành Chất. Hệ thống thể thao trong trường học cho đến nay vẫn đang đi song song với thể thao đỉnh cao.

Ngoài các khó khăn khách quan của ngành giáo dục, thì cũng có phần thụ động đến từ ngành thể thao. Chúng ta chọn cách dễ nhất là tập trung cho đội tuyển quốc gia, thuê chuyên gia, "nuôi gà chọi", trong khi bỏ hẳn mảng quảng bá, gây dựng phong trào, truyền cảm hứng thông qua thể thao học đường.

Đó là lý do mà phải đến khi có giải vô địch quốc gia được tổ chức, người hâm mộ mới biết bắn cung có "tồn tại", có lượng VĐV đông đảo và cũng không thiếu các địa phương đầu tư cho môn này. Nhưng sau khi "đến hẹn lại lên", thì bắn cung còn lại gì trong đời sống? Câu hỏi tương tự cho nhiều môn tiềm năng khác cũng thế.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm